Đây là nội dung nhằm thực hiện một số dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường khu vực Hồ Tây.
Theo đề xuất này, tổng mức đầu tư để nạo vét bùn, cải tạo môi trường Hồ Tây khoảng 2.000 tỷ đồng. Xây dựng các bến thủy nội địa trên hồ Tây cần khoảng 1.600 tỷ đồng và đài phun nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây khoảng 600 tỉ đồng. Tổng kinh phí cho 3 hạng mục là 4.200 tỷ đồng.
|
|
Quận Tây Hồ đề xuất 3 hạng mục với tổng kinh phí 4.200 tỷ đồng nhằm phục vụ bảo tồn và phát triển tiềm năng hồ Tây |
Do phải cân đối nguồn vốn để duy trì, đảm bảo vệ sinh môi trường Hồ Tây và thực hiện các dự án đầu tư công khác theo phân cấp, quận đề xuất được triển khai các dự án trên bằng nguồn kinh phí hỗn hợp. Trong đó, quận chủ động cân đối khoảng 1.200 tỷ đồng, thành phố bố trí kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội trong hai giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030.
Lý giải về mục tiêu đầu tư, Quận Tây Hồ cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu quy hoạch tổng thể về hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho việc khai thác các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đồng thời, Quận cũng sẽ nghiên cứu phương án để cải thiện chất lượng môi trường nước, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản của hồ; tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, quản lý việc nuôi trồng và khai thác thủy sản trên hồ Tây.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2016, quận Tây Hồ báo cáo từ năm 2011 quận đã thực hiện 4 dự án nạo vét Hồ Tây với tổng vốn 128 tỷ đồng. 440.000 m3 bùn đã được nạo vét. Tuy nhiên, gói thầu nạo vét ở khu vực đường Thanh Niên hơn 33 tỷ đồng bị tạm dừng để đánh giá lại sau sự cố cá chết hàng loạt. Theo một đơn vị tư vấn, muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn, nhưng 8 năm qua không có thông tin công khai việc nạo vét sau đó có được tiếp tục hay không.
Chưa hết, việc xây dựng đài phun nước ở Hồ Tây là đề án từ năm 2010 dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Địa điểm được nhà đầu tư lựa chọn là khu vực Hồ Tây giáp với đường Thanh Niên. Đài phun nước gồm 3 phần chính: Màn hình chiếu nước có dạng hình quạt dài 60 m, rộng 30 m; máy hiệu ứng nước vệ tinh gồm 8 máy phun được sắp xếp theo hình chữ S; sân khấu nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, dự án lại không được triển khai.
Trong khi đó, nhiều năm qua Hồ Tây liên tục “kêu cứu” sau nhiều lần cá chết trắng hồ, phóng sinh cá phóng sinh cả túi nilon, nước thải hòa vào nước hồ,... Hơn thế nữa, không gian xanh quanh hồ cũng liên tục bị chiếm dụng nhằm mục đích kinh doanh trái phép. Thực tế này là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi các cấp chính quyền vào cuộc một cách thực chất để dự án không còn nằm “trên giấy”, để Hồ Tây được phát huy lành mạnh cả về giữ gìn môi trường và phát triển kinh tế.