Ngay sau khi đăng tải bài viết về việc,
hàng chục học sinh THPT Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hỳ hục lao động trên công trình chỉnh trang, nâng cấp vỉa hè và quảng trường huyện Mường Nhé dưới cái nẳng như đổ lửa, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã có chỉ đạo về sự việc này.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Điện Biên cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam, tôi đã trực tiếp gọi điện cho Hiệu trưởng nhà trường và yêu cầu báo cáo toàn bộ sự việc”.
“Trời thì nắng nóng thế này, Sở cũng đã chỉ đạo các trường quan tâm chăm lo sức khoẻ cho các cháu, vậy mà…”, ông Đoạt bày tỏ.
Học sinh tại Trường THPT huyện Mường Nhé tham gia lao động trên công trường dự án 30 tỷ đồng.
Tại cuộc trao đổi, ông Đoạt cũng đã gửi lời cảm ơn tới Báo Pháp luật Việt Nam đã kịp thời thông tin để Sở nắm biết và có chỉ đạo.
Về phía Trường THPT huyện Mường Nhé, khi trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Trường Giang, Hiệu trưởng nhà trường đã nhận trách nhiệm về việc để học sinh lao động trên công trường.
“Tôi xin nhận trách nhiệm về việc này và hiện đang phải làm báo cáo về sự việc theo chỉ đạo của Giám đốc Sở giáo dục”, ông Giang cho hay.
Về phía dự luận địa phương, sau khi đọc được thông tin phản ánh trên Báo Pháp luật Việt Nam, nhiều người tỏ ra bức xúc trước việc để hàng chục học sinh lao động tại công trường.
Đồng thời nhiều người mong muốn các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài việc trách nhiệm của nhà trường cũng cần truy trách nhiệm đến chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát.
Các em học sinh tham gia lao động dưới thời tiết nắng nóng.
Bởi lẽ, một công trình được đầu tư từ vốn nhà nước với tổng mức 30 tỷ đồng mà tại sao lại để cho học sinh vào công trường lao động như vậy, các khâu quản lý, giám sát công trường đi đâu khi để việc này xảy ra, phải chăng có sự “gật đầu” cuả nhà thầu, tư vấn giám sát nhằm giảm được chi phí thi công khi để cho các học sinh làm việc… không công.
Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trước đó, sáng ngày 24/5 vừa qua, hàng chục học sinh tại Trường THPT huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên được nhà trường huy động tham gia lao động tháo, dỡ, vận chuyển gạch tại công trường Dự án Nâng cấp vỉa hè và quảng trường huyện Mường Nhé, dưới thời tiết nắng nóng. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
Học sinh không khăn, không mũ, nón đang làm việc dưới thời tiết nắng nóng.
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình huyện Mường Nhé thông tin, Dự án Nâng cấp vỉa hè và quảng trường huyện Mường Nhé do Ban quản lý dự án các công trình huyện làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, do Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Vĩnh Phúc làm nhà thầu thi công. Dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2023, dự kiến thời gian hoàn thành trong 24 tháng.
Ông Thắng cũng thừa nhận, việc để học sinh tham gia lao động trên công trường của dự án như thế là không được phép.
Rất đông học sinh tham gia lao động.
Theo ông Thắng, lẽ ra nếu nhà trường muốn xin số gạch trên về trường thì phải nhờ nhà thầu thi công dỡ gạch ra, rồi vận chuyển về tại trường, sau đó nhà trường mới huy động học sinh tham gia lao động.
Còn theo các em học sinh chia sẻ, nhà trường phân cho học sinh đến lao động tại đây, tính đến ngày (24/5) đã là ngày thứ 3.
Điều đáng nói, khu vực công trường các học sinh tham gia lao đông không hề có biển cảnh báo, không căng dây, không thông báo thời gian thực hiện… nên ngoài ảnh hưởng đến sức khoẻ do thời tiết nắng nóng, còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là gói thầu nói trên từ khâu tư vấn giám sát, kỹ thuật thi công cho đến vật liệu để nâng cấp vỉa hè cho đến năng lực của nhà thầu...
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Lê Trường Giang mới được Giám đốc Sở giáo dục tỉnh Điện Biên bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT huyện Mường Nhé vào tháng 1/2023.