|
|
Sau 70 năm, nhiều công trình tại Hà Nội vẫn vẹn nguyên những giá trị lịch sử, văn hoá tốt đẹp. Ảnh: Nhật Minh |
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là một nhân chứng lịch sử cho chiến thắng của quân và dân ta. Ngày 20.7.1954, Hiệp định Geneve được ký kết, buộc quân Pháp trong 80 ngày phải rút khỏi Hà Nội. Đến ngày 9.10.1954, những binh lính cuối cùng của quân Pháp đã rút qua cây cầu này. Đồng thời, quân đội Việt Nam tiến vào cầu để tiếp quản Thủ đô.
|
|
Phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng là nơi người dân treo cờ 2 bên đường để chào mừng Thủ đô được giải phóng. Ảnh: Nhật Minh |
Đến nay, sau 70 năm Giải phóng Thủ đô, cây cầu hơn 2km do người Pháp xây dựng vẫn được giữ gìn, bảo tồn.
|
|
Cầu Long Biên vẫn được gìn giữ qua nhiều năm. Ảnh: Nhật Minh |
Nhà hát Lớn Hà Nội
Vào 15h ngày 10.10.1954, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi vang lên hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử. Đây là công trình được người Pháp khởi công năm 1901 và hoàn thiện vào 10 năm sau đó. Đến nay, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là địa điểm diễn ra các hoạt động văn hoá, nghệ thuật quan trọng của thành phố.
|
Nhà hát Lớn Hà Nội là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật quan trọng. Ảnh: Nhật Minh |
Nhà hát Lớn Hà Nội là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật quan trọng. Ảnh: Nhật Minh |
Cột cờ Hà Nội
Năm 1954, lễ thượng cờ thiêng liêng ngày Giải phóng Thủ đô đã diễn ra tại Cột cờ Hà Nội. Chiều 10.10, đoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, lá cờ Tổ quốc được kéo lên cột cờ Hà Nội. Sự kiện này đã đánh dấu thời kỳ Hà Nội hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và nhân dân ta đứng lên làm chủ vận mệnh.
|
|
Cột cờ Hà Nội là điểm đến tham quan của nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Nhật Minh |
Hiện nay, Cột cờ Hà Nội vẫn được bảo tồn, giữ gìn vẹn nguyên và tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội).
Phủ Chủ tịch
Phủ Chủ tịch hiện là nơi làm việc và đón tiếp khách quốc tế. Trước kia, nơi đây từng là Phủ toàn quyền Đông Dương, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp gốc Đức có tên là Lichten Fenđơ. Công trình mang phong cách Phục hưng và được hoàn thiện năm 1906.
|
|
Hình ảnh Phủ chủ tịch sau nhiều năm xây dựng. Ảnh: Nhật Minh |
Phố Hàm Long
Phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có chiều dài hơn 500m, rộng 10m, nơi đây còn có tên gọi là đại lộ Doudard de Lagrée vào thời Pháp thuộc. Mùa thu 70 năm trước, người dân 2 bên phố đã treo cờ đỏ sao vàng để chào mừng Giải phóng Thủ đô.
|
|
Phương tiện qua lại tấp nập trên tuyến phố Kim Mã. Ảnh: Nhật Minh |
Phố Hàng Đào
Vào thời Pháp, tuyến phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có tên gọi là Rue de la Soie. Đầu thế kỷ 20, người Pháp lắp đặt đường ray để tàu điện bánh sắt tuyến Bờ Hồ - Hàng Đậu chạy ngang qua khu vực. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20, toàn bộ đường ray tàu bị tháo dỡ, thay thế phương tiện sang xe buýt.
Hiện nay, phố Hàng Đào là nơi buôn bán, kinh doanh vô cùng sầm uất và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế. Buổi tối những ngày cuối tuần, nơi đây diễn ra hoạt động phố đi bộ chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân.
|
|
Khung cảnh nhộn nhịp trên phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Nhật Minh |
Bốt Hàng Trống
Khi chiếm Hà Nội, người Pháp đã thành lập lực lượng cảnh sát hay còn gọi là đội cẩm để bảo vệ an ninh trật tự. Bốt Hàng Trống là nơi họ làm việc và thực hiện giam giữ tạm thời với những người phạm tội. Sau năm 1954, nơi đây trở thành trụ sở của Công an quận Hoàn Kiếm và tồn tại tới nay.
|
|
Bốt Hàng Trống nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, nằm gần khu vực Hồ Gươm. Ảnh: Nhật Minh |