Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh, cựu dân quân trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng...
    |
 |
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, miền Bắc nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, Mỹ đã dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8/1964) để lấy cớ leo thang chiến tranh, mở rộng hoạt động đánh phá ra miền Bắc bằng không quân, hải quân với âm mưu cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam.
    |
 |
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm |
Xác định Thanh Hoá là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và cầu Hàm Rồng là “điểm tắc lý tưởng” trên tuyến vận tải từ Bắc vào Nam. Phá sập cầu Hàm Rồng sẽ cắt đứt mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế, làm suy yếu vai trò của hậu phương lớn Thanh Hóa. Với ý đồ đó, Tổng thống Giôn-Xơn và chính quyền Mỹ đã cho chuẩn bị phương án đánh phá tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực Hàm Rồng bằng các lực lượng hỗn hợp của không quân và hải quân.
    |
 |
Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm |
Nhận thấy rõ dã tâm của kẻ thù, Trung ương Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Các lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội phòng không không quân, pháo binh, hải quân, dân quân tự vệ được tăng cường huấn luyện, bố trí trận địa chặt chẽ, hình thành thế trận phòng không nhân dân vững chắc, quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng. Nhân dân các địa phương của Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang kiên trì bám đất, bám cầu, xây dựng hầm hào, công sự, trận địa, tích cực chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Đến tối ngày 2/4/1965, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thông báo: Địch sẽ đánh lớn vào Hàm Rồng trong ngày 3/4; đồng thời nhắc nhở “Phải đánh chắc, đánh trúng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay địch, bảo vệ mục tiêu, tiết kiệm đạn dược…”.
    |
 |
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển tham dự sự kiện |
Đúng 8 giờ 45 phút ngày 3/4/1965, Mỹ cho hàng loạt máy bay bất thần lao vào cắt bom, bắt đầu từ Đò Lèn, Tĩnh Gia, Nông Cống và tiến vào khu vực trọng điểm Hàm Rồng. Ngày đầu tiên chúng sử dụng 102 lần tốp máy bay tiêm kích đánh phá dữ dội trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Không dừng lại, sang ngày 4/4, địch tiếp tục dùng một lực lượng lớn máy bay bắn phá với tốc độ và cường độ lớn, cứ 10 phút tổ chức một đợt công kích. Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất rung chuyển với những tiếng nổ xé trời của bom đạn.
Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, quân dân Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc. Đế quốc Mỹ phải cay đắng thừa nhận: “Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”.
    |
 |
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm |
Tại lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Hàm Rồng - Vang mãi bản hùng ca” được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa với những cảnh diễn hóa thân các nhân vật có thật trong lịch sử kết hợp với các ca khúc đã đi cùng năm tháng và một số ca khúc viết về Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, Hàm Rồng, Thanh Hóa trong chiến đấu và trong công cuộc dựng xây, đổi mới, giàu mạnh.