Cờ Tổ quốc trên con tàu rẽ sóng
Trên con tàu 600CV đậu tại cảng Gianh thuộc xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) những ngư dân đang tất bật chuyển ngư lưới cụ, nhiên liệu xuống buồng chứa để chuẩn bị chuyến biển mới. Trong lúc trò chuyện với phóng viên, anh Phạm Hữu Lưu (SN 1981), trú huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - chủ tàu sực nhớ điều gì có vẻ quan trọng lắm. Hỏi thì được biết anh phải vào buồng tàu kiểm tra lại xem còn bao nhiêu lá cờ Tổ quốc.
|
|
Lá cờ Tổ quốc tung bay trên con tàu lớn chuẩn bị ra khơi |
"Trước khi ra khơi cần chuẩn bị nguyên nhiên liệu, các giấy tờ và thứ không thể thiếu là cờ Tổ quốc. Mỗi chuyến ra khơi khoảng một tuần đến 15 ngày, chúng tôi thay mới và chuẩn bị hàng chục lá cờ. Trên biển gió to, sóng lớn cờ nhanh bị hỏng, khi đó thuyền viên sẽ leo lên thay", anh Lưu chia sẻ.
Trên con tàu của anh Lưu có treo 3 lá cờ Tổ quốc tại vị trí cao nhất, dễ nhìn thấy nhất. Anh cho biết việc bảo quản và thay thế cờ giữa biển khi sóng đánh khiến tàu chòng chành gặp khó khăn nếu không sẽ treo nhiều cờ hơn. Với anh, lá cờ mang theo niềm tự hào của người Việt từ đất liền ra với biển trời Tổ quốc. Nhìn hình ảnh lá cờ anh cùng bạn thuyền thêm vững tin hoạt động đánh bắt, sản xuất.
|
|
Theo anh Lưu, cờ Tổ quốc là thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến ra khơi |
"Cái mặn mòi, cái nắng, cái gió của biển khiến cờ mau bị rách và bạc màu. Những khi thấy thế là anh em tự giác tìm cờ mà thay mới. Có những khi biển động, cờ bị hỏng, thuyền chòng chành quá không thể treo được đành chờ biển lặng mới làm", anh Lưu cho biết.
Đậu cách thuyền anh Lưu không xa, thuyền câu của ngư dân Phạm Văn Đông (SN 1975, trú phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cũng đang chuẩn bị cho chuyến biển mới. Những lá cờ Tổ quốc mới đã được treo lên tung bay trong gió. Anh cũng cẩn thận dặn vợ mua thêm nhiều lá cờ khác để thay trong chuyến biển hơn chục ngày.
Theo anh Đông, việc treo cờ Tổ quốc trên thuyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều đầu tiên là thực hiện đúng quy định của pháp luật, khẳng định tính hợp pháp khi đánh bắt trên biển. Lá cờ Tổ quốc tung bay cũng là dấu hiệu để những bạn thuyền nhận ra nhau, giúp đỡ nhau khi cần thiết.
|
|
Theo anh Đông, trong những chuyến biển lá cờ giúp bạn thuyền nhận ra và giúp đỡ nhau khi gặp bất trắc |
"Lênh đênh giữa biển khơi lắm hiểm nguy, bất trắc. Khi treo lá cờ Tổ quốc chúng tôi thấy trong lòng tự hào và vững tâm. Cũng nhờ những lá cờ phấp phới mà nhận ra nhau giữa biển khơi. Nếu có gặp sự cố, tàu bạn sẽ nhanh chóng có mặt giúp đỡ", anh Đông chia sẻ.
Cột mốc sống giữa trùng khơi
Lắc lư theo từng con sóng nơi cảng Gianh, con tàu phục vụ thu mua hải sản trên biển của ngư dân phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn nổi bật với lá cờ Tổ quốc ở mũi tàu. Theo các thuyền viên, việc treo cờ Tổ quốc sẽ thể hiện tình yêu đất nước trong quá trình lao động, sản xuất.
"Lá cờ ở mũi tàu được treo cao như là hoa tiêu, tiên phong cho những chuyến đi biển của chúng tôi. Cờ đỏ sao vàng bay trong gió khiến chúng tôi vững tâm hơn trước biển cả mênh mông lắm lúc nổi dông bão", ngư dân Hoàng Quang chia sẻ.
|
|
Gữa nắng, gió và mặn mòi của biển cả lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay |
Ngư dân Nguyễn Văn Côi, trú xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch tâm sự, lá cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
"Để lá cờ Tổ quốc có thể hiên ngang tung bay trên mỗi con tàu, bao thế hệ cha ông phải đánh đổi bằng xương máu. Chúng tôi vươn khơi bám biển để sản xuất cũng tự hiểu trách nhiệm khẳng định chủ quyền biển đảo. Lá cờ Tổ quốc tung bay trong vùng đất, vùng biển Việt Nam đó là điều chính đáng và tự hào", ngư dân Côi chia sẻ.
|
|
Lá cờ Tổ quốc tung bay là niềm tự hào của người Việt nói chung và những ngư dân giữa biển trời nói riêng |
Thượng tá Lê Văn Tính, Chính trị viên Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, qua công tác kiểm tra, tuần tra, giám sát hoạt động nghề cá nhận thấy ngư dân địa phương có ý thức chấp hành các quy định, chính sách.
|
|
Ngư dân trở thành "tai mắt" của lực lượng chức năng trong việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. |
Hải đội 2 cũng thường xuyên lồng ghép công tác tuyên truyền trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Cũng từ đó bà con ngư dân trở thành "tai mắt" của Hải đội 2 trong việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
"Mỗi con tàu cắm cờ Tổ quốc chính là cột mốc sống trên biển. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở bà con ngoài việc đánh bắt thủy hải sản, làm ăn kinh tế phối hợp cùng lực lượng chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ sẽ là tai mắt của chúng tôi và thông tin những vấn đề sai phạm trên địa bàn biển đảo đơn vị quản lý", Thượng tá Lê Văn Tính chia sẻ.