Hủa Phăn là tỉnh nằm ở phía đông bắc Lào, có diện tích 16.500 km2. Tỉnh tiếp giáp với Luông Pha Bang, Xiêng Khoảng (Lào) và 3 tỉnh của Việt Nam gồm Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An. Nơi đây có có địa hình dốc và thời tiết lạnh đặc trưng, gồm 10 huyện và 9 dân tộc cùng sinh sống.

Một Sầm Nưa bí ẩn và thân thiện

Trong hành trình theo chân đoàn khảo sát du lịch của Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đi khảo sát tuyến du lịch Mộc Châu (Sơn La-Việt Nam)- Sầm Nưa (Hủa Phăn -Lào), ông Nguyễn Tuấn Anh- Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết: Đây là điểm đến mới có nhiều nét nổi bật về văn hóa, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, người dân thân thiện. Đặc biệt đến với Sầm Nưa du khách sẽ tìm thấy “một Mộc Châu của 20 năm trước”.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Các công ty du lịch lữ hành của Hà Nội và Sơn La ký kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch của Hủa Phăn

Từ cửa khẩu Lóng Sập (Việt Nam) đến Sầm Nưa khoảng 130 km nhưng phải mất hơn 3h đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm thị xã Sầm Nưa. Dọc tuyến đường đi những ngôi nhà sàn nép bên sườn núi nằm xen kẽ những khoảng ruộng bậc thang giúp du khách hòa mình vào với thiên nhiên, thoát khỏi sự ồn ào, náo nhiệt của thành thị. Một Sầm Nưa hết sức hoang sơ nhưng cũng bí ẩn.

Bên cạnh điểm đến khu di tích Kaysone Phomvihane – nơi vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào sinh sống và hoạt động cách mạng trong giai đoạn 1964-1973, du khách có thể ghé thăm Bảo tàng dân tộc Tày hay Chùa ông Tứ, tại đây du khách sẽ được sư thày làm lễ cầu phúc với nghi thức buộc chỉ cổ tay.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu phúc cho du khách khi đến Chùa Ông Tứ tại Sầm Nưa

Được biết, nghi thức buộc chỉ cổ tay từ lâu trở thành một nghi thức ngoại giao thú vị của đất nước Lào, một mã văn hóa phi ngôn ngữ thể hiện bản tính nhu thuận, hiền lành của nhân dân quốc gia sùng đạo Phật. Buộc chỉ cổ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh, với bạn bè quốc tế. Người dân Lào cầu an cho người khác hơn là cầu cho chính mình - đây là tinh thần của Phật giáo Tiểu thừa. Bởi với họ, cầu mong điều tốt lành cho người khác, thì sau đó, người khác cũng sẽ mang bình an đến cho họ. Đó là luân lý, nhân quả của cuộc sống.

Hiện tỉnh Hủa Phăn có 158 điểm du lịch: 64 điểm du lịch tự nhiên, 30 điểm du lịch văn hóa và 64 điểm du lịch lịch sử. Trong đó, có 19 điểm du lịch tự nhiên, 24 điểm du lịch văn hóa và 19 điểm du lịch lịch sử được phát triển và mở dịch vụ du lịch; 16 điểm du lịch đang khảo sát và lập kế hoạch phát triển, trong đó có 7 điểm du lịch đã được doanh nghiệp nhượng quyền. Trong đó thị xã Sầm Nưa là trung tâm kinh tế -chính trị- văn hóa - xã hội của tỉnh Hủa Phăn và cũng là nơi du khách dừng chân lưu trú khi đến với Hủa Phăn.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Đoàn khảo sát đến thăm quan khu di tích Kaysone Phomvihane

Bà Mặn - Phênh Khạ Tị Nhạ, Giám đốc Sở Thông tin Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn cho biết: Năm 2023, có 45.496 khách du lịch đến tham quan tỉnh Hủa Phăn, trong đó có hơn 15.000 lượt khách du lịch nội địa và 30.425 khách du lịch nước ngoài, tạo ra tổng doanh thu khoảng 1,5 triệu USD cho tỉnh Hủa Phăn. Trong số lượng đó có 21.395 du khách đến từ Việt Nam. Thị trường Việt Nam đã đứng đầu trong số lượng du khách nước ngoài đến tỉnh Hủa Phăn.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Bà Mặn - Phênh Khạ Tị Nhạ chia sẻ thông tin về du lịch Hủa Phăn

Đối với tỉnh Sơn La và tỉnh Hủa Phăn trong năm 2023, có 7.213 khách du lịch từ Hủa Phăn đến thăm Sơn La và 13.263 du khách từ tỉnh Sơn La đến Hủa Phăn.

Góp phần tăng trưởng kinh tế Sơn La và Hủa Phăn

Đã tham gia nhiều chương trình khảo sát và tổ chức các tour- tuyến: Mộc Châu – Sầm Nưa (Hủa Phăn), ông Phùng Xuân Khánh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Tiên Phong (Tiên Phong Travel - Hà Nội) cho biết: Với những nét văn hóa tương đồng, giao thông thuận tiện, thủ tục xuất nhập cảnh nhanh chóng, dễ dàng, chi phí tour phù hợp, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với nhiều điểm di tích văn hóa, lịch sử, văn hóa bản địa phong phú, tuyến Mộc Châu – Sầm Nưa rất phù hợp cho nhu cầu du lịch trải nghiệm, check-in của du khách hiện nay.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Ông Phùng Xuân Khánh (đầu tiên bên trái) cùng đoàn khảo sát tại di tích Kaysone Phomvihane

Với việc từ giữa tháng 3 Vietnam Airlines tăng tần suất lên 2 chuyến bay/tuần đường bay Hà Nội - Điện Biên và tháng 12/2023 vừa qua Dự án mở rộng sân bay Điện Biên đã hoàn thành, đảm bảo đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương là cơ hội đến du khách đi từ Điện Biên, Sơn La sang Sầm Nưa và ngược lại”- ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của hai nước cần có chính sách mở rộng đối tượng cho du khách thuộc nước thứ 3 được thông quan qua cửa khẩu. Điều này sẽ giúp tăng lượng khách đến với Mộc Châu và Sầm Nưa, tạo cơ hội cho du lịch, dịch vụ của địa phương dọc tuyến này phát triển.

Mộc Châu- Sầm Nưa: Một cung đường 2 điểm đến
Vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của thác nước Nậm Nưa ở Hủa Phăn

Nói về kế hoạch đưa ra sản phẩm Mộc Châu – Sầm Nưa trong thời gian tới, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Đây là sản phẩm một cung đường 2 điểm đến, sau chuyến khảo sát này chúng tôi sẽ họp trong Câu lạc bộ, dự kiến chúng tôi sẽ kết hợp với Tiên Phong Travel thành lập liên minh khai thác tuyến Mộc Châu-Sầm Nưa.

Theo ông Tuấn Anh, hạn chế của tuyến du lịch trên đó là thời gian di chuyển dài, từ Mộc Châu lên cửa khẩu Lóng Sập khoảng hơn 30km nhưng mất khoảng 1 giờ, từ cửa khẩu Lóng Sập đến Sầm Nưa khoảng 130km mất khoảng 3,5 giờ, đường cua tay áo nhiều nên các phương tiện không thể đi nhanh được. Bên cạnh đó thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu mất khá nhiều thời gian.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Sơn La)

Đại diện phía Câu Lạc bộ lữ hành Unesco cho rằng, cơ quan chức năng của 2 bên cần có chính sách riêng cho các đoàn khách du lịch trong trường hợp các công ty du lịch cung cấp trước thông tin về du khách cho lực lượng chức năng tại cửa khẩu. Nhằm giảm thời gian làm thủ tục, tăng thời gian trải nghiệm cho du khách.

Nói về tiềm năng của tour mới Mộc Châu - Sầm Nưa, ông Nguyễn Trung Quân - Giám đốc Avitour cho biết: Qua 3 ngày khảo sát tuyến điểm Mộc Châu- Sầm Nưa tôi nhận thấy đây là tuyến điểm mới, mặc dù cơ sở vật chất hạ tầng du lịch của Sầm Nưa chưa phát triển, cung đường và thời gian di chuyển, thời gian làm thủ tục còn hạn chế nhưng với vẻ đẹp của Sầm Nưa cùng những điểm di tích thăm quan độc đáo tôi tin rằng du khách sẽ lựa chọn điểm đến mới này.

Chúng tôi xác định xây dựng tour 3 ngày là phù hợp, trong đó có 1 đêm nghỉ tại Mộc Châu, giá dự kiến dao động khoảng 3,5-4 triệu đồng/người xuất phát từ Hà Nội. Với mức giá 1 hành trình 2 điểm đến, du khách hoàn toàn có thể thỏa mãn đam mê du lịch trải nghiệm, khám phá check-in của mình.”- ông Quân chia sẻ.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Ông Trần Xuân Việt kỳ vọng tuyến du lịch mới Mộc Châu - Sầm Nưa (Hủa Phăn) sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế hai bên phát triển

Ông Trần Xuân Việt – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Để xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhằm thu hút du khách đến với Mộc Châu và tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế với nước bạn Lào nhất là khi cửa khẩu Lóng Sập của Sơn La được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, tỉnh Sơn La đã mời lãnh đạo của hơn 20 công ty du lịch lữ hành lớn thuộc Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đi khảo sát tuyến Mộc Châu – Sơn La.

Mặc dù Sơn La có nhiều sản phẩm du lịch, tuy nhiên du lịch cần phải tạo sự hấp dẫn và đặc biệt du lịch phải liên kết hợp tác quốc tế, trong đó Sơn La có nhiều điều kiện thuận lợi như cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương, cửa khẩu quốc tế Lóng Sập. Hai cửa hai cửa khẩu này rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Do vậy, khi kết nối giữa Sơn La với Hủa Phăn sẽ mang lại sức hấp dẫn mới để du khách khi đến Sơn La có thể dành thêm thời gian sang Lào. Đây là tour du lịch nhiều hứa hẹn khai thác hiệu quả trong thời gian tới.”- ông Việt nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng theo ông Việt để tuyến du lịch này phát triển, cơ quan chức năng cần xem xét, tạo thuận lợi cho du khách làm thủ tục thông quan cũng như phía Lào cần sớm nâng cấp cửa khẩu Pa Háng thành cửa khẩu quốc tế. Đồng thời, hai bên cùng cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông từ Mộc Châu lên Lóng Sập và từ Sầm Nưa đến cửa khẩu Pa Háng.

Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến
Cầu kính Bạch Long - một trong những sản phẩm du lịch nổi bật của Mộc Châu

Hiện tỉnh Sơn La đã trình hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu du lịch Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia. Sau khi được công nhận, Sơn La kỳ vọng lượng du khách đến với Mộc Châu sẽ tăng cao. “Nếu như khai thác tốt tuyến du lịch Mộc Châu- Hủa Phăn thì như vậy sẽ tạo cơ hội và tăng hấp dẫn cho du lịch Sơn La, không chỉ đối với du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế nhất là du khách Thái Lan, hay Lào sang Sơn La”- ông Việt khẳng định.

Được biết, lượng khách du lịch đến với Sơn La trong 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 1 triệu lượt du khách. Sơn La phấn đấu năm 2024 phấn đấu đạt 4,8-4,9 triệu lượt du khách. Sơn La kỳ vọng, cùng với tour Mộc Châu- Sầm Nưa (Hủa Phăn) mới được mở lượng du khách kỳ vọng đến Sơn La sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Nguồn Congthuong
Link bài gốc

https://congthuong.vn/moc-chau-sam-nua-mot-cung-duong-hai-diem-den-310479.html