Theo phản ánh của người dân xã Nam Phú, huyện Tiền Hải (Thái Bình), hàng trăm hecta rừng ngập mặn đã biến mất từ khi UBND huyện Tiền Hải tổ chức giao đầm cho các cơ quan để canh tác. Ngay sau khi được giao, các cơ quan lại sang nhượng cho các hộ dân. Sau khi nhận sang nhượng, các hộ dân đã chia thành những ô đầm nhỏ để nuôi ngao giống, tôm công nghệ cao đã làm mất đi hệ sinh thái cũng như khu rừng ngập mặn.

leftcenterrightdel
 Hơn 250ha khu đầm cơ quan được giao cho các cơ quan, đơn vị nay đã được chia thành các ô đầm nhỏ

Ông Vũ Xuân Nam, người dân xã Nam Phú, huyện Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: Trước đây, toàn bộ khu đầm này là bãi bồi ven biển, cây cối xanh tốt dày đặc, người dân trong xã vẫn ra đánh bắt tôm, cua, ốc về để bán. Nhưng sau khi UBND huyện Tiền Hải tổ chức giao đầm cho các cơ quan, xong các cơ quan lại chuyển nhượng cho các hộ dân vào canh tác thì họ đã tiến hành chặt phá cây cối, đắp bờ chia ra thành những đầm nhỏ để nuôi ngao, nuôi tôm công nghệ làm mất đi hệ sinh thái của khu đầm nước ngập mặn. “UBND huyện Tiền Hải đã ra hàng loạt quyết định giao đất, công nhận 35 cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là chủ đầm cho tổng số đất bãi bồi là hơn 250ha. Trong khi đó, người dân chúng tôi vốn là đối tượng được cho thuê, muốn được thuê thì phải lên sàn đấu giá từ 5 - 7 triệu đồng/ha/năm và mỗi hộ dân chỉ được đấu có 2ha để canh tác. Còn lại các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng lại được giao hàng trăm hecta mà không phải thông qua đấu giá, chỉ nộp tiền thuê đất hàng năm rồi bán lại cho người dân địa phương, có ô đầm bán lại lên đến mấy trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng”, ông Nam bức xúc nói.

leftcenterrightdel
 Hơn 250ha đầm đã được người dân biến thành từng ô đầm nhỏ để nuôi ngao và tôm công nghệ cao

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại khu “đầm cơ quan” – cái tên mà người dân xã Nam Phú thường gọi từ khi UBND huyện Tiền Hải giao cho các cơ quan, đơn vị thì gần như toàn bộ khu đầm đã được đắp bờ, chia thành nhiều ô đầm khác nhau được ngăn bằng những con đường nhỏ phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Xung quanh đầm là những căn nhà nhỏ để người dân để đồ cũng như chỗ ở để trông coi. Một số đầm còn được xây dựng tường bao xung quanh để bảo vệ và hệ thống đường điện chạy vào từng khu.

leftcenterrightdel
 Những ô đầm nhỏ đã được người dân cải tạo, lót nilon bên dưới làm mất đi hệ sinh thái của toàn bộ 250ha đầm

Toàn bộ khu đầm đã được UBND huyện Tiền Hải giao cho 35 cơ quan, đơn vị Nhà nước làm chủ từ những năm 2000 với diện tích hơn 250ha như: Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình, Sở Thủy sản (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), Thanh tra tỉnh, Liên đoàn Lao động, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng, Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra huyện Tiền Hải… để nuôi trồng thủy sản.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: "Việc từ đầu những năm 2000, huyện giao 250ha đất nuôi trồng thủy sản cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức là có thật. Quyết định giao đất do UBND huyện ban hành, xã chỉ lưu giữ danh sách, diện tích, thời gian, chủ đầm (các cơ quan của tỉnh và huyện Tiền Hải). Việc thu thuế sử dụng đất và các khoản thu khác các cơ quan này phải có trách nhiệm nộp ngân sách theo quy định, xã không quản lý. Hiện UBND huyện Tiền Hải đang tiến hành rà soát và trực tiếp trả lời cụ thể với cơ quan báo chí sau".

Nguồn phapluat
Link bài gốc

https://phapluat.baoxaydung.com.vn/thai-binh-chuyen-la-ve-khu-dam-co-quan-o-huyen-tien-hai-7099.html