Vướng mắc ở gói thầu A1-1 cao tốc Bến Lức - Long Thành

Báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải phục vụ cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đây, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho hay tại gói thầu A1-1 thuộc đoạn phía tây cao tốc Bến Lức - Long Thành có sự cản trở của một đơn vị cung cấp cát.

leftcenterrightdel
Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành mà Công ty Thảo Lan Việt Nam muốn lấy cát mang đi - Ảnh: LÊ PHAN

Lý do, trước đây nhà thầu A1 cũ là Công ty Halla Copration - Công ty cổ phần Vinaconex E&C có hợp đồng với Công ty cổ phần Vicomex (nhà thầu phụ) thi công. Công ty cổ phần Viconex đã mua cát của nhà cung cấp (được tư vấn chấp thuận) là Công ty TNHH kinh doanh và xây dựng Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh).

Công ty Hoàng Anh mua cát của Công ty TNHH Thảo Lan Việt Nam (Công ty Thảo Lan) đưa vào công trình. Tháng 7-2017, do công nợ của hai bên chưa được xử lý, Công ty Thảo Lan đã cản trở nhà thầu A1 thi công đoạn tuyến nói trên.

Theo VEC, nhà thầu A1 đã khởi kiện Công ty Thảo Lan. Ngày 29-8-2018, TAND quận 7 có quyết định 23 về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: cấm Công ty Thảo Lan, cá nhân ông Phạm Văn Thảo - giám đốc - và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện hành vi ngăn cản nhà thầu thi công gói thầu A1.

"Tuy nhiên, Công ty Thảo Lan vẫn tiếp tục cản trở, không cho thi công hạng mục khác lên nền cát đoạn tuyến nói trên. Tháng 2-2023, nhà thầu vào thi công gặp phải cản trở đã phải ngừng triển khai đoạn này", báo cáo của VEC nêu.

Công ty Thảo Lan nói gì ?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Thảo - giám đốc Công ty Thảo Lan - nói năm 2016 đã ký hợp đồng với Công ty Hoàng Anh (địa chỉ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cung cấp cát đắp nền thi công gói thầu A1. Thảo Lan đảm bảo đủ cát cho đối tác thi công theo đúng tiến độ. Theo hợp đồng, Công ty Thảo Lan cung cấp 10.000m³ sẽ được thanh toán một lần.

Theo ông Thảo, sau khi công ty cung cấp cát lên công trình 10.000m³, Công ty Hoàng Anh không có tiền thanh toán. Trong khi đó, Công ty Thảo Lan đã ký hợp đồng với sà lan chở cát về công trình. 

Vì vậy, hai bên có bàn là Công ty Thảo Lan sẽ đưa cát lên công trình theo số lượng tạm tính, tạm gửi ở bãi tập kết. Việc này để chờ Công ty Hoàng Anh có tiền sẽ mua tiếp phần cát gửi lên công trình. Số lượng cát đưa lên công trình được hai bên xác nhận 127.000m³.

Phản hồi về thông tin quyết định của tòa án mà chủ đầu tư đề cập, ông Thảo nói thời điểm đó Công ty cổ phần Vinaconex E&C có khởi kiện Công ty Thảo Lan. Tháng 8-2018, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm Công ty Thảo Lan cản trở thi công.

Sau khi xem xét hồ sơ mà Công ty Thảo Lan cung cấp, tháng 9-2018, TAND quận 7 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: cấm Công ty cổ phần Vinaconex E&C chuyển dịch, sử dụng tài sản đang tranh chấp là 127.000m³ cát, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

"Công ty không cản trở thi công, mà chỉ bảo vệ tài sản của mình. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần kiểm tra hồ sơ quản lý chất lượng công trình (KCS), nguồn gốc cát, hồ sơ liên quan của các bên để xử lý, làm rõ trắng đen. 

Công ty khẳng định 127.000m³ cát nêu trên được Thảo Lan đưa lên mặt bằng công trình, chưa lu lèn, chưa nhận được tiền thanh toán", ông Thảo nói. 

"Về phần cát của Công ty Thảo Lan, chúng tôi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thành lập ban giao nhận khối lượng để vận chuyển mang về. Trường hợp nhà thầu mới đang thi công cao tốc có nhu cầu mua sử dụng cát, hai bên sẽ làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định", ông Thảo nói. 

Nguồn tuoitre
Link bài gốc

https://tuoitre.vn/mot-doanh-nghiep-doi-dao-700m-cat-o-cao-toc-ben-luc-long-thanh-mang-ve-20240307222507978.htm