Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 30km, nằm trên địa bàn xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, không khó để nhận ra một quần thể kiến trúc nghỉ dưỡng hoành tráng, hiện đại tại dốc suối Láo.
Nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính
Điều đáng nói, toàn bộ diện tích đất xây nhà đều là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư. Cùng với đó, việc chủ đầu tư có dấu hiệu lấn chiếm dòng suối Láo tiềm ẩn những nguy cơ rất nguy hiểm vì việc đắp bờ kè đá lấn lòng suối làm dòng nước thay đổi, tạo áp lực gây ra xói mòn bên kia bờ hậu quả rất khó lường.
|
|
Toàn cảnh quần thể nghỉ dưỡng hoành tráng ven bờ suối Láo, huyện Đà Bắc, Hòa Bình |
Vào ngày 20/9/2023, tại quần thể hoành tráng này từ trên cao nhìn xuống được thiết kế 5 "chòi" bê tông đã được xây dựng kiên cố, cùng một vài kiến trúc lạ, nằm san sát, ở một bên khác là một khu vực được xây dựng với mái đỏ và tất cả đều quay mặt vào chiếc hồ lớn ở giữa quần thể. Phía xung quanh hồ, cảnh quan cũng được bài trí theo phong cách nhà sàn, vườn cây cùng các công trình khác đang được xây dựng dở dang.
Được biết đây là công trình của ông Chu Văn Tý (xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc). Tuy công trình hoành tráng và hiện đại là vậy, thế nhưng do vi phạm về quản lý đất đai, công trình này đã nhiều lần bị chính quyền địa phương ra các văn bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điển hình như ngày 27/12/2022, UBND xã Cao Sơn đã ra Quyết định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai số 114/QĐ-UBND đối với ông Chu Văn Tý do hành vi vi phạm: Tự ý múc, san gạt làm biến dạng địa hình của đất rừng sản xuất, diện tích là 187,5m2. Theo đó ngoài bị phạt tiền, ông Tý còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trong thời hạn 60 ngày.
Ngày 13/1/2023, UBND xã Cao Sơn tiếp tục lập Biên bản vi phạm hành chính số 02/BB-VPHC với ông Chu Văn Tý. Theo đó xác định ông Tý đã tự ý múc, san gạt làm biến dạng địa hình đất rừng sản xuất diện tích 175,5m2. UBND xã buộc ông Tý khôi phục hiện trạng của đất trước vi phạm.
|
|
Cổng vào khu vực xây dựng quần thể kiến trúc tại dốc suối Láo, xã Cao Sơn |
Ba ngày sau, UBND xã Cao Sơn ra Quyết định xử phạt số 02/QĐ-UBND ngày 16/1/2023 với ông Chu Văn Tý. Xác định ông Tý đã có hành vi: Tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất sang làm đất nhà ở diện tích 120m2 tại lô số 26 tờ bản đồ số 1. Với vi phạm này, ông Tý phải nộp phạt 4.000.000 đồng và khôi phục lại tình trạng đất trước vi phạm.
Một tháng sau, UBND xã Cao Sơn tiếp tục có Biên bản vi phạm hành chính số 03/NN-VPHC ngày 16/2/2023 nêu rõ: Ông Chu Văn Tý đã tự ý chuyển đổi đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất ở. 5 chòi xây dựng bằng bê tông, tổng diện tích vi phạm 184m2 tại lô số 26 tờ bản đồ số 1. Tại Biên bản này, UBND xã Cao Sơn yêu cầu ông Chu Văn Tý phải tháo dỡ 5 chòi xây dựng trái phép nêu trên.
Mặc dù các văn bản xử phạt hành chính đã được ban hành từ thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm cuối tháng 9/2023, toàn bộ quần thể này đang trong giai đoạn hoàn thiện, các hạng mục sai phạm vẫn chưa bị tháo dỡ để trả lại nguyên trạng trước vi phạm.
Sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cũng đang là một phần nguyên nhân dẫn đến việc sai phạm không bị ngăn chặn từ đầu, bởi lẽ sau mỗi lần xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp ngăn chặn dường như đều bị "vô hiệu", để từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 5/2023 UBND xã Cao Sơn phải ban hành tới 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cứ phạt xong 1 phần thì đơn vị lại dừng thi công một thời gian, sau đó lại tiếp tục thi công.
Chưa khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng trước vi phạm
Thông tin tới báo chí, ông Đinh Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, về nguồn gốc, đây là đất dân ở từ trước năm 90, diện tích này vốn thuộc Lâm trường Cù Lý quản lý. Tổng diện tích khu vực này 15ha, khi đó dân được cấp gần 100 GCNQSDĐ (sổ đỏ). Nhưng do sai sót (diện tích chênh so với con số trên sổ, sai vị trí), xã đã đề xuất huyện phối hợp với Sở TN&MT rà soát lại. Hiện đã cấp sổ đỏ lại theo đúng hiện trạng. Theo Quy hoạch năm 2020, còn 9 hộ sẽ được cấp sổ đỏ cho đất thổ cư nhưng tới nay huyện vẫn chưa cấp, việc này UBND xã chưa rõ lý do.
Đối với quần thể kiến trúc xây dựng trên khu đất của ông Chu Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, năm 2020, gia đình ông Chu Văn Tý bán nhà và ao cho người khác, nhưng đất vẫn là ông Tý đứng tên. Mua bán chưa có giấy tờ xác nhận, xã cũng chưa tiếp nhận hồ sơ liên quan tới việc mua bán này. "Xã quy hoạch khu này vào diện được cấp sổ đỏ cho đất thổ cư nhưng chỉ 200m, các công trình đang xây dựng phải lên tới 7.000m2. Vi phạm ở đây là chưa được cấp sổ đỏ đã xây dựng. Thời gian qua, cá nhân này có đắp nâng bờ ao, cải tạo thành hồ nuôi cá, xây dựng các công trình quanh hồ” – Chủ tịch UBND xã Cao Sơn nói.
|
|
Các báo cáo của UBND xã Cao Sơn gửi UBND huyện Đà Bắc liên quan tới vi phạm tại khu vực này |
Liên quan đến công trình này, UBND xã Cao Sơn đã báo cáo lên UBND huyện Đà Bắc bằng Báo cáo số 39/BC-UBND ngày 9/5/2023 (về việc cải tạo, san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép tại khu vực Suối Láo của ông Chu Văn Tý).
Được biết, tại hội nghị quản lý đất đai hồi đầu tháng 5 của huyện Đà Bắc do Bí thư Huyện ủy Bùi Văn Luyến chủ trì và ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện tham dự, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã có tham mưu, Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo xã Cao Sơn phải báo cáo, giải trình nội dung này. Về phía UBND xã có nêu những khó khăn, nhưng quan điểm của Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc là phải dứt điểm xử lý, không thể nói là vướng mắc để không làm theo quy định.
Vì sao chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng người dân xây dựng các công trình trái phép trên đất rừng đã lâu mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, để tái diễn nhiều lần, thậm chí coi thường pháp luật?