Điều đáng nói, thành phố hướng dẫn liên hệ với huyện, huyện trả lời một phần nội dung, rồi lại đề nghị VOV Giao thông liên hệ với… thành phố. Trong khi những nội dung chính của sự việc vẫn còn bỏ ngỏ.
Cuối năm 2024, Ban VOV Giao thông Quốc gia nhận được đơn phản ánh của tập thể người dân bãi Tân Bồi 3 (thôn 2 và 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) về việc tố giác Tổng giám đốc công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà có hành vi “hô biến” hợp đồng cho thuê thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; giả mạo chữ ký của các hộ dân để chiếm đoạt gần 5ha đất nông nghiệp.

Bãi Tân Bồi 3, nơi xảy ra màn 'thâu tóm' kinh điển đất nông nghiệp ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Vụ việc diễn ra và kéo dài 2 thập kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người trong cuộc.
Sau khi tìm hiểu và xác minh thông tin, Ban VOV Giao thông Quốc gia đã có loạt phóng sự “Màn thâu tóm kinh điển 5ha đất nông nghiệp ở Thanh Trì, Hà Nội”, trong đó nêu rõ những điểm phi lý trong vụ việc này.
Ban VOV Giao thông Quốc gia đã có công văn đề nghị phỏng vấn lãnh đạo UBND xã Vạn Phúc, Công an huyện Thanh Trì về việc rà soát, xác minh, tiến độ giải quyết. Tuy nhiên, các câu trả lời, hướng dẫn về việc khởi kiện ra tòa dân sự vẫn chưa khiến người dân đồng tình. Theo các hộ dân, các cơ quan chức năng ở xã và huyện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
4 CÂU HỎI TRỰC DIỆN CHO TP HÀ NỘI
Tiếp tục “gõ cửa” cấp cao hơn là UBND TP.Hà Nội, nhóm phóng viên đã gửi câu hỏi trực diện vào những vấn đề gây bức xúc nhất với những người đâm đơn tố giác.

Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà do ông Hoàng Văn Lâm làm TGĐ bị bà con nông dân tố cáo giả mạo chữ ký người chết, lập khống hợp đồng, chiếm đất của bà con.
Thứ nhất, vì sao không giám định chữ ký trong các văn bản được cho là hợp đồng chuyển nhượng giữa công ty Hoàng Hà với các hộ dân, khi có cả chữ ký người đã chết, người mù chữ, người không có mặt tại địa phương? Việc này đã được nhắc đến trong đề xuất của Thanh tra thành phố Hà Nội giao UBND huyện Thanh Trì yêu cầu công ty Hoàng Hà gửi hồ sơ gốc để gửi cơ quan giám định Bộ Công an.
Thứ hai, tại sao sau khi phát hiện hàng loạt sai phạm của cán bộ xã Vạn Phúc trong chứng thực và lưu hồ sơ các văn bản được cho là “hợp đồng chuyển nhượng” (theo kết luận 45 ngày 30/1/2018 của Đoàn kiểm tra UBND huyện Thanh Trì; và Báo cáo số 260 ngày 16/1/2020 của Thanh tra thành phố), UBND huyện Thanh Trì không đưa ra bất cứ hình thức kỷ luật nào?

Nhiều cụ ông, cụ bà chờ 2 thập kỷ để đòi lại đất. Từng có đoàn kiểm tra của huyện Thanh Trì về vạch rõ sai phạm của dàn cán bộ xã chứng thực hợp đồng không đúng quy định.
Thứ ba, do nhận thấy các hợp đồng chuyển nhượng giữa công ty Hoàng Hà và các hộ nông dân không đảm bảo quy định pháp luật, Thanh tra thành phố Hà Nội từng có báo cáo số 260 ngày 16/1/2020 đề xuất giao Sở Tài Nguyên Môi trường kiểm tra rà soát lại hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đối mục đích sử dụng đất của Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà, nhất là trách nhiệm thẩm định hồ sơ trình UBND thành phố quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Thứ tư, trong khi một số bà con vẫn giữ “sổ đỏ” ghi rõ diện tích đất của họ vẫn còn ở bãi Tân Bồi 3, thì thực tế đến nay, công ty Hoàng Hà vẫn được thuê, sử dụng số đất đó liên tục, ổn định và được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hàng năm?
Như vậy, trình tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất của công ty Hoàng Hà đã dựa trên các tài liệu, hợp đồng có dấu hiệu trái pháp luật. Liệu UBND TP.Hà Nội có hủy bỏ quyết định, trả lại đất cho bà con xã Vạn Phúc?
HUYỆN THANH TRÌ “LỜ” VẤN ĐỀ SAI PHẠM CỦA CÁN BỘ XÃ
Để trả lời 4 câu hỏi trực diện vừa nêu, ngày 13/3/2025, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã chỉ đạo giao UBND huyện Thanh Trì rà soát, tổng hợp, cung cấp thông tin có liên quan cho VOV Giao thông.

Sổ đỏ bà con vẫn cầm, giấy tờ cho thuê đất họ vẫn giữ, nhưng không hiểu sao lại xuất hiện hợp đồng chuyển nhượng dẫn đến công ty Hoàng Hà chiếm đoạt đất nông nghiệp.
Đến ngày 31/3/2025, trong công văn phúc đáp của UBND huyện Thanh Trì, cơ quan này chỉ cung cấp các mốc thời gian UBND TP.Hà Nội cấp phép cho công ty Hoàng Hà được thuê, chuyển đổi mục đích sử dựng đất sang bãi chứa vật liệu xây dựng.
Với các đơn thư khiếu nại của bà con, UBND huyện Thanh Trì cho biết, các cơ quan chức năng của huyện, thành phố đã trả lời, đình chỉ giải quyết khiếu nại từ các năm 2017, 2018 và 2020. Năm 2024, Công an huyện Thanh Trì đã ban hành quyết định không khởi tố hình sự với đơn tố giác của bà con về hành vi “giả mạo chữ ký, “cướp đất” của Tổng giám đốc công ty Hoàng Hà.
Riêng về việc rà soát hồ sơ, trình tự thủ tục giao đất cho công ty Hoàng Hà có đúng pháp luật, UBND huyện Thanh Trì đề nghị nhóm phóng viên liên hệ trở lại… thành phố, cụ thể là Sở Nông nghiệp và môi trường Hà Nội.
Nội dung sai phạm nghiêm trọng về chứng thực của dàn cán bộ xã Vạn Phúc, công văn phúc đáp của UBND huyện Thanh Trì… lờ tịt điều này!
UBND huyện Thanh Trì tiếp tục nêu quan điểm: Vụ việc là tranh chấp dân sự có liên quan hợp đồng chuyển nhượng giữa người dân và doanh nghiệp. UBND huyện Thanh Trì đề nghị VOV Giao thông tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động liên hệ tòa án nhân dân để xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền lợi theo quy định pháp luật.

Công văn của UBND huyện Thanh Trì không đề cập sai phạm của dàn cán bộ xã Vạn Phúc khi chứng thực sai quy định, dẫn đến các bản hợp đồng chuyển nhượng không có hiệu lực.
Mặc dù vậy, trong quá trình trao đổi cung cấp thông tin, các hộ dân ở xã Vạn Phúc cho biết, họ đã liên hệ với phía tòa án, viện kiểm soát nhân dân Thanh Trì, thì được chính các cơ quan này cho rằng, vụ việc có dấu hiệu hình sự và hướng bà con gửi đơn sang cơ quan cảnh sát điều tra!
DÂN SỰ HÓA HÀNH VI DẤU HIỆU GIẢ MẠO, LẬP KHỐNG HỢP ĐỒNG?
Bà Nguyễn Thị Thủy, xóm 1, thôn 3, xã Vạn Phúc cho rằng, họ khó có thể khởi kiện dân sự với công ty Hoàng Hà, khi hợp đồng chuyển nhượng gốc giữa doanh nghiệp và họ, thì họ không được cầm. Dù nhiều lần yêu cầu, các hộ dân chưa từng nhìn thấy hoặc được cung cấp cái được gọi là “bản hợp đồng chuyển nhượng” đó.
Họ chỉ được xem qua bản sao UBND xã Vạn Phúc đưa ra khi bị gọi đi làm thủ tục nhận “sổ đỏ” mới sau dồn điền đổi thửa. Trong khi hợp đồng cho thuê đất, họ vẫn lưu bản gốc với chữ ký và dấu đỏ của đại diện công ty Hoàng Hà.

Dù được đề xuất của thanh tra thành phố Hà Nội, nhưng UBND huyện Thanh Trì và Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà không cung cấp hồ sơ gốc để đi giám định chữ ký.
“Chúng tôi không đồng ý. Vì chúng tôi chỉ cho thuê thôi, không chuyển nhượng đất. Huyện làm như thế không đúng, để lọt tội phạm đã dám giả chữ ký từng ấy 230 hộ dân. Chúng tôi bác bỏ quyết định ấy. Chúng tôi mong Bộ Công an vào cuộc, yêu cầu giám định lại từng ấy chữ ký trong hợp đồng gốc, xem có đúng chữ ký của chúng tôi không”
Đề cập hiện trạng vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định, quyền giám sát của nhân dân ở các quy trình chứng thực hợp đồng, biên bản các cuộc họp, trình tự cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất… đã không được thực hiện đầy đủ. Dẫn đến cơ quan chức năng, doanh nghiệp có thể làm sai quy định pháp luật, người dân không được biết và ở vào tình cảnh sự đã rồi, bị bưng bít thông tin, rất yếu thế trong việc thu thập chứng cứ, hồ sơ để kiện được doanh nghiệp.
“Nhiều nơi, doanh nghiệp lợi dụng để thâu tóm đất đai, thậm chí bằng biện pháp giả mạo chữ ký, kết hợp chính quyền o ép người nông dân. Cái đó có xảy ra ở nhiều nơi, theo phản ánh người dân đến tai tôi. Tôi cho rằng, chúng ta cần giải quyết, xử lý dứt điểm, nếu không bà con sẽ chịu thiệt hại lớn”, GS Đặng Hùng Võ nói.

Những cụ ông cụ bà ngây thơ pháp luật rất khó để thu thập được những hồ sơ bị bưng bít, làm căn cứ kiện dân sự công ty Hoàng Hà theo hướng dẫn của... huyện Thanh Trì.
Bày tỏ về phúc đáp của UBND huyện Thanh Trì, các luật sư đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của bà con thôn 2,3 xã Vạn Phúc cho biết, đã giúp bà con chuẩn bị hồ sơ để làm việc với cấp cao hơn là cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hà Nội.
Bởi với tính chất phức tạp của vụ việc, liên quan tới nhiều cán bộ sai phạm, chỉ cơ quan cảnh sát điều tra mới có thẩm quyền và khả năng thu thập được đầy đủ hồ sơ, tài liệu để làm rõ bản chất vụ việc. Khởi kiện dân sự là một con đường quá khó cho những người nông dân già cả, ngây thơ pháp luật.
Nhóm phóng viên Ban VOV Giao thông Quốc gia sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tranh chấp đất đai ly kỳ này trong các chương trình tiếp theo.