Sau trường THPT Bình Tân, trong hẻm đường Hồ Văn Long, 21 căn nhà kiên cố vừa bị chính quyền cưỡng chế tháo dỡ để trả lại hiện trạng đất nông nghiệp.
Tại khu vực này, nhiều căn rộng gần 100 m2, xây dựng 2-3 tầng nằm san sát nhau, giờ chỉ còn trơ nền gạch.
Hàng chục căn nhà bị tháo dỡ này xây dựng từ năm 2017 trên nền đất nông nghiệp, được cấp số, có giấy tờ chứng nhận của địa phương.
"Nhà tôi có số hẳn hoi nhưng không được hỗ trợ di dời. Gia đình tôi bây giờ cũng không biết đi đâu", chị Đỗ Thị Hải, đứng trong căn nhà vừa bị tháo dỡ nói.
Chị cho biết mua mảnh đất gần 80 m2 cách đây 6 năm với giá khoảng 250 triệu đồng. Sau khi căn nhà một trệt, một lầu bị đập bỏ, chị dựng lán đưa đồ nội thất ra ngoài chờ chuyển đi nơi khác.
Cùng cảnh ngộ, anh Lê Văn Đông và người thân phải dọn ra ở tạm trên nền đất của mình sau khi nhà đã bị phá. Anh cho biết 7 năm trước đã dùng tiền dành dụm để mua 72 m2 đất với giá gần 300 triệu đồng từ giấy tờ sang tay để xây nhà.
"Do không rõ quy định, tôi xây nhà trái phép trên đất trồng cây lâu năm. Bây giờ gia đình tôi cũng không biết đi đâu, ở đâu", anh nói.
Những ngôi nhà xây trái phép chỉ còn trơ khung, gạch đá ngổn ngang.
Liên quan đến tình hình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp trên địa bàn phường Tân Tạo, UBND quận Bình Tân đã yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm điểm và xem xét, xử lý đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.
Nhiều tôn, sắt, thép vẫn chưa dọn dẹp xong được chất thành đống trên nền nhà.
Cách đó khoảng 700 m, 15 căn nhà cấp bốn, nhà tiền chế cũng được UBND phường Tân Tạo vận động tháo dỡ trước ngày 25/10. Nhiều người dân cho biết do là đất của ông bà để lại nên đã cất nhà ở, làm kho chứa đồ.
Bà Nguyễn Thị Chắc, 75 tuổi mất sức lao động, sống cùng người con đang bị bệnh trong ngôi nhà 4 người. Bà kể, lúc trước nhà ở Tỉnh lộ 10, bị giải tỏa và được đền bù 300 triệu đồng nhưng không đủ mua nhà mới, bà quyết mua đất trong hẻm đường Hồ Văn Long để xây từ năm 2017.
"Tôi bây giờ già cả rồi, nhà nước vận động để tự tháo dỡ tôi cũng không còn sức, mà cũng không có tiền để thực hiện, bây giờ cũng không biết đi đâu", bà nói.
Bà Long Bình đứng bên mảnh đất cạnh căn nhà 72 m2. Căn nhà nằm trên mảnh đất hơn 1.000 m2 của chồng, là tài sản thừa kế. "Dù sắp phải dỡ, tôi vẫn chưa tìm được nơi ở mới", bà nói.
Chính quyền phường Tân Tạo dán thông báo phần xây dựng vi phạm trên nền đất nông nghiệp buộc các hộ dân phải di dời trước ngày 25/10, sau đó chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế.
Tại Tỉnh lộ 10 cũng có 27 căn nhà xây dựng trái phép trên cùng trục đường bị chính quyền yêu cầu tháo dỡ, song chỉ có hai căn đã thực hiện.
Đại diện UBND phường Tân Tạo, quận Bình Tân cho biết, có gần 150 căn nhà xây trái phép trên địa bàn trong thời gian Covid-19 cuối năm 2019 và 2020. Lúc đó, địa phương quản lý thiếu sát sao nên nhiều người dân xây nhà trên đất trồng cây lâu năm, đất quy hoạch công viên, cây xanh. Đến nay, khoảng 60 căn nhà đã tháo, số còn lại chính quyền vận động người dân thực hiện xong trong tháng 11.
"Đơn vị đã đề xuất quận lên phương án giúp người dân tìm nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống", đại diện UBND phường Tân Tạo nói.