35 năm sinh sống ở xóm Ban Tiện, dưới chân đồi Dõng Chum (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn), bà Nhung chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ quét kéo theo đất đá vùi lấp nhiều ôtô như hôm 4/8.

Xóm Ban Tiện hình thành năm 1988, khi nhà nước có chính sách đưa dân đến Sóc Sơn để trồng rừng. Bà Nhung kể trước kia từ xóm lên đến đỉnh đồi Dõng Chum là cây xanh, nhưng vài năm nay đường lên được bêtông hóa, hai bên là các công trình xây dựng kiên cố và những ô đất được phân lô, xây tường bảo vệ.

Tái diễn vi phạm sau hai cuộc thanh tra

Tuyến đường ở xóm Ban Tiện bị đất đá vùi lấp do các hộ dân tự ý đổ bêtông, không nằm trong quy hoạch, không được cấp phép xây dựng. Hồ sơ của UBND xã Minh Phú thể hiện từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, lực lượng liên ngành đã lập biên bản đối với homestay, nhà ở, công trình kiên cố dọc con đường bêtông. Sai phạm được xác định là chuyển đổi đất rừng phòng hộ (rừng trồng) sang đất phi nông nghiệp không được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cách Ban Tiện khoảng 2 km, hồ thủy lợi Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí), nơi tập trung homestay, hàng quán phục vụ du lịch, cũng đang có nhiều hoạt động xây dựng. Cuối năm ngoái, xã Minh Trí đã ra hai thông báo yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan đến việc san gạt đất lấn chiếm mặt nước trái phép tại khu vực này tới trụ sở để làm việc.

leftcenterrightdel
 Nhiều công trình kiên cố được xây dựng tại khu vực chân đồi Dõng Chum, xóm Ban Tiện. Ảnh: Hoàng Phong

Rừng phòng hộ Sóc Sơn có diện tích 4.557 ha trải rộng trên 10 xã gồm: Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Phù Linh, Quang Tiến, Tiên Dược, Tân Minh và thị trấn Sóc Sơn. Việc xâm phạm đất rừng Sóc Sơn kéo dài nhiều năm qua.

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã. Tại rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha. Trong đó có gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất.

Tuy nhiên, việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn và các sở, ngành chậm, chưa triệt để và tiếp tục để xảy ra vi phạm. Do vậy, thành phố đã yêu cầu tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng tại Sóc Sơn.

Năm 2019, Thanh tra TP Hà Nội công bố kết luận chỉ ra hàng nghìn vụ vi phạm đất rừng phòng hộ. Riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven các hồ lớn (Đồng Quan, Hàm Lợn, Đồng Đò...) trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Khoảng 40 cán bộ của huyện đã bị xử lý, công trình vi phạm bị phá dỡ.

Một năm sau, việc xử lý vi phạm phải tạm dừng để rà soát do người dân khiếu nại việc quy hoạch rừng năm 2008 chồng lấn lên diện tích khu dân cư.

Trong lúc chính quyền còn đang rà soát, nhiều công trình tiếp tục mọc lên trên đất quy hoạch rừng. Sau trận lũ quét hôm 4/8, chính quyền xã Minh Phú đã lập biên bản xử lý công trình sai phép đối với con đường bêtông do dân tự làm và 5 công trình xây dựng bên đường. Tương tự ở khu vực hồ Đồng Đò, cơ quan quản lý đã phát hiện và xử lý nhiều vụ san gạt lấn chiếm diện tích mặt nước.

Thống kê của huyện Sóc Sơn, trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng. Ngoài ra, chính quyền đã xử lý 149 công trình vi phạm từ năm 2022 trở về trước theo các quyết định và kết luận thanh tra của thành phố.

Quy hoạch chồng lấn đất rừng, đất khu dân cư

Thôn Minh Tân, xã Minh Trí là một trong những khu vực dân cư bị đưa vào quy hoạch rừng năm 2008. Thôn rộng hơn 1.115 ha, trong đó gần 700 ha đất rừng được giao khoán, 290 ha đất vườn quả, còn lại là các loại đất xây dựng công trình văn hoá, trường học, giao thông...

Trưởng thôn Nguyễn Văn Hòa kể năm 1985, theo chủ trương phủ xanh đất trắng đồi trọc của nhà nước, khoảng 100 hộ gia đình các xã của huyện Sóc Sơn đã tới khu Đồng Đò lập nghiệp, trồng rừng. Năm 2019, khi cơ quan chức năng thanh tra, người dân mới "ngã ngửa" khi biết toàn bộ khu dân cư nằm trong quy hoạch rừng năm 2008.

"Không ai tới điều tra, hỏi han gì chúng tôi khi làm quy hoạch năm 2008. Trong khi thời điểm đó, dân đã ở khu vực Đồng Đò hơn 20 năm với đầy đủ bộ máy chính quyền cơ sở như bí thư, trưởng thôn và hệ thống trường học", ông Hòa nói.

leftcenterrightdel
 Người dân thôn Minh Tân xem bản đồ quy hoạch rừng năm 2008 hôm 11/8. Ảnh: Võ Hải

Sau gần 40 năm, từ 100 hộ dân ban đầu, hiện thôn Minh Tân có khoảng 200 hộ. Trưởng thôn cho biết số dân đông hơn, nhiều gia đình nhiều thế hệ nhưng vẫn phải chung hộ khẩu vì chính quyền không cho tách từ khi có quy hoạch 2008.

Cũng do nằm trong quy hoạch rừng nên hạ tầng đường, điện xuống cấp không được đầu tư, có hộ gia đình không có điện dùng. Việc tu sửa, xây dựng nhà cửa là vi phạm vì nằm trong quy hoạch nhưng để đảm bảo điều kiện sinh sống nên người dân vẫn phải xây.

Theo UBND xã Minh Trí, do thôn Minh Tân không được vẽ bản đồ địa chính nên năm 1998, theo quyết định 2334 về phê duyệt quy hoạch đất rừng phòng hộ đặc dụng Sóc Sơn, toàn bộ khu vực này nằm trong quy hoạch rừng.

Năm 2006, huyện thành lập tổ công tác thống kê số hộ cần đo bản đồ địa chính. Tuy nhiên, người dân thôn Minh Tân không đồng ý chủ trương đo mỗi hộ 400 m2 đất ở và 2.000 m2 đất vườn rừng nên huyện không thể thực hiện. Do vậy, trong quyết định quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008, toàn bộ thôn này vẫn nằm trong quy hoạch mà chưa được tách ra.

"Quá trình quản lý đất đai nhiều bất cập trong thời gian dài. Năng lực cán bộ qua nhiều nhiệm kỳ hạn chế. Hồ sơ quản lý thiếu, không giữ được đầy đủ hồ sơ địa chính, không xác định được các hộ mượn đất theo hình thức sổ lâm bạ trên địa bàn", báo cáo của UBND xã Minh Trí nêu và chỉ ra tình trạng mua bán chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng 2008 không được theo dõi. Do vậy, chỉ khi người dân thực hiện đăng ký đất đai và có hoạt động xây dựng, cơ quan chức năng mới phát hiện vi phạm.

leftcenterrightdel
 Sở đã tham mưu thành phố ban hành kế hoạch chỉ đạo địa bàn có rừng rà soát, cắm mốc, số hóa toàn bộ diện tích và giao ngành nông nghiệp quản lý

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết có khoảng 27.000 ha rừng ở 7 huyện, thị (Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và Sơn Tây). Đầu năm 2022, Sở đã tham mưu thành phố ban hành kế hoạch chỉ đạo địa bàn có rừng rà soát, cắm mốc, số hóa toàn bộ diện tích và giao ngành nông nghiệp quản lý.

Tuy nhiên, đã hơn một năm, việc rà soát chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải quyết tồn tại chồng lấn giữa đất rừng và đất khu dân cư ở một số địa bàn.

Theo ông Phương, thành phố đã chỉ đạo huyện Sóc Sơn rà soát và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ diện tích đất ở của người dân bị quy hoạch rừng phòng hộ chồng lấn thời điểm trước năm 1993. Sau đó, huyện cần phối hợp các sở, ngành đề xuất UBND thành phố bóc tách diện tích hai loại đất này.

leftcenterrightdel
 Hồ thủy lợi Đồng Đò, nơi có nhiều công trình vi phạm đất rừng bị huyện Sóc Sơn xử lý. Ảnh: Hoàng Phong

Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cũng cho rằng quy hoạch rừng năm 2008 (Quyết định số 2100 ngày 29/5/2008) tồn tại nhiều bất cập. Thành phố quy hoạch toàn bộ 4.557 ha đất thành rừng phòng hộ trong khi chỉ có 3.266 ha rừng thực sự.

"Trong gần 1.300 ha còn lại có khoảng 3.000 thửa đất của các thôn, xóm, làng nằm trong rừng, ngoài ra có cả công trình phúc lợi, di tích văn hóa lịch sử và cả công trình của quân đội", ông Ngọc thông tin và cho hay huyện đang rà soát để đề xuất thành phố điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 theo đúng thực tế, dự kiến hoàn thành trong tháng 10.

"Mong người dân nằm trong diện chồng lấn quy hoạch 2008 kiên nhẫn, không xây dựng công trình, chờ đợi chính quyền rà soát thống kê và có phương án báo cáo thành phố", Phó chủ tịch Sóc Sơn khuyến cáo.

Tuy nhiên, những con số thống kê mới đây cho thấy hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra rầm rộ ở nhiều khu vực được quy hoạch rừng.

Nguồn vnexpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/chong-lan-vi-pham-dat-rung-soc-son-4641295.html