Ngày 19-5, chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã gặp nạn, khiến toàn bộ 8 người trên phương tiện này thiệt mạng.
Ông Raisi gặp nạn khi trở về từ khu vực biên giới Iran với Azerbaijan sau khi cùng với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev khánh thành một con đập. Chiếc trực thăng rơi xuống khu vực miền núi gần ở tỉnh Đông Azerbaijan (Iran), cách biên giới Azerbaijan-Iran khoảng 20 km về phía nam.
|
|
Hiện trường chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian gặp nạn. (Ảnh: REUTERS) |
Các đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn đã tích cực tìm kiếm ở khu vực rừng rậm hiểm trở này trong mưa và sương mù dày đặc trong nhiều giờ trước khi tìm chiếc trực thăng xấu số.
Truyền thông Iran đưa tin chiếc trực thăng này đã gặp tai nạn do “lỗi kỹ thuật” nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Địa hình, thời tiết bất lợi
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu cho rằng việc điều khiển trực thăng bay qua những ngọn núi cao và thung lũng sâu có thể khiến phi công mất phương hướng và việc điều hướng qua những địa hình khó khăn như vậy có thể khiến phi công rất mệt mỏi về tinh thần và thể chất.
Cạnh đó, tốc độ và hướng gió có thể thay đổi đột ngột và khó lường ở các thung lũng sâu, dẫn đến những biến động đáng kể về tốc độ không khí, có khả năng dẫn đến mất kiểm soát.
|
|
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm tại khu vực trực thăng chở tổng thống Iran gặp nạn là một vùng núi non hiểm trở. (Ảnh: AP) |
Trả lời đài ABC News, Đại tá Steve Ganyard, cựu phi công chiến đấu cũng là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng có vẻ như đây là một tai nạn khá kinh điển, xảy ra khi phi công trực thăng cố gắng tránh thời tiết xấu ở địa hình hiểm trở.
Ông Ganyard nói rằng vào lúc xảy ra tai nạn, ở khu vực đó sương mù rất dày đặc, như chính quyền Iran đã xác nhận khi thông báo công tác cứu hộ gặp khó khăn.
“Khi đang bay trên núi và có tầm nhìn rất thấp, các phi công trực thăng có xu hướng tự nhiên là bắt đầu hạ độ cao, cố gắng bay thấp hơn và chui xuống bên dưới sương mù hoặc lớp mây. Họ biết rằng trong trường hợp cần thiết thì có thể hạ cánh máy bay nhưng điều này nhiều khi lại dẫn đến bi kịch” - theo ông Ganyard.
Cùng ý kiến, ông Simon Sparkes, phi công thử nghiệm trực thăng quân sự và chuyên gia hàng không, nói với tờ The National rằng vô tình bay vào đám mây hoặc sương mù là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn máy bay và trực thăng trên toàn cầu. Trong trường hợp đó, vấn đề không phải là chứng nhận của trực thăng hay phi công, mà là quyết định của phi công trước các điều kiện khách quan đó.
The National dẫn ví dụ là vào năm 1994, do sương mù dày đặc, một trực thăng đã gặp nạn ở Scotland khiến 25 nhân viên tình báo Anh và 4 phi hành đoàn thiệt mạng ở khu vực Mull of Kintyre với tầm nhìn lúc đó gần như bằng 0.
Theo ông Sparkes, ở vùng núi, phi công phải bay rất cao để được an toàn và có thể thời tiết hoặc độ cao của núi vượt quá khả năng của trực thăng. Nếu thiếu oxy, trực thăng không thể bay cao hơn 3.000 m và với lượng oxy thấp, có thể gây ra các vấn đề như rối loạn tâm thần đối với những người trên trực thăng.
Độ an toàn trực thăng không đảm bảo
Theo các bức ảnh được truyền thông Iran công bố, chiếc trực thăng chở tổng thống Iran gặp nạn là Bell 212 do Mỹ sản xuất. Bell 212 được đưa vào sử dụng năm 1968 và Iran đã mua một số chiếc loại này vào những năm 1970.
Theo trang web hàng không Hà Lan Scramble, dù quan hệ giữa Tehran và Washington căng thẳng nhưng lực lượng không quân Iran vẫn duy trì 5 chiếc Bell 212 cho phi đội chở những lãnh đạo, quan chức cấp cao, bao gồm chiếc chở tổng thống và ngoại trưởng gặp nạn.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích hàng không Cirium, độ tuổi trung bình của 15 máy bay Bell 212 được đăng ký ở Iran lên tới 35 năm, cộng với việc bảo trì phức tạp do cách lệnh trừng phạt quốc tế, đặc biệt từ Mỹ.
|
|
Chiếc trực thăng chở tổng thống Iran gặp nạn hôm 19-5. (Ảnh: IRNA/REUTERS) |
Công ty phát triển loại trực thăng này vào những năm 1960 - Bell Helicopter, hiện nay là Bell Textron, cho biết họ có rất ít thông tin về tình trạng của loại trực thăng này.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng Bell Textron không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Iran hoặc hỗ trợ đội máy bay trực thăng của họ và chúng tôi không biết về trạng thái hoạt động của chiếc trực thăng liên quan đến vụ tai nạn này” - công ty này chia sẻ với tờ The Washington Post hôm 20-5.
Do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đối tác phương Tây, ngành hàng không của Iran đã gặp vô vàn khó khăn, bao gồm không mua được máy bay mới, thiếu phụ tùng thay thế và không thể bay vào một số khu vực ở châu Âu.
Ngày 20-5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby bác bỏ cáo buộc cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể đã dẫn tới vụ tai nạn, đồng thời gọi đó là thông tin vô căn cứ.