Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận số 1782/KL - TTCP về thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cung cấp cho dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Mỏ đất nhiều "không" tại Quảng Trị
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị - Thừa Thiên Huế) là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có chiều dài 98 km được khởi công xây dựng vào tháng 9/2019 với tổng vốn đầu tư là 7.700 tỉ đồng.
Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số thiếu sót, vi phạm như Bộ Giao thông Vận tải (GTVT - chủ đầu tư dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn) thực hiện công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác. Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị chưa thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn…
Tại Quảng Trị, Thanh tra Chính phủ cho rằng, các cơ quan chức năng tại Quảng Trị đã phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
|
|
Một đoạn thi công Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh Đình Phúc. |
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại một số mỏ tại Quảng Trị không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 53 và khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản.
Cụ thể tại mỏ đất xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cho Công ty CP Xây dựng tổng hợp Quảng Trị khai thác vượt công suất 19,2% tại mỏ đá vôi khối B - Tân Lâm, xã Cam Tuyền của Công ty cổ phần Thiên Tân, đã bị xử phạt 170 triệu đồng.
Cho phép 3 hộ gia đình cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu xây dựng công trình không đúng quy định; chưa tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản (ông Ngô Hùng, thôn Trường Xuân, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng; ông Hồ Hòa, thôn Nhan Biểu 3, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong; ông Nguyễn Công Bắc, xã Cam Thành huyện Cam Lộ);
Đáng chú ý, tại mỏ cát Sông Nhùng của Công ty CP Sông Nhùng được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao mốc giới khu vực khai thác khi chưa làm thủ tục thuê đất, nộp tiền thuê đất, tiền cấp phép khai thác khoáng sản.
Tỉnh Quảng Trị cũng bị đánh giá là chưa thực hiện triệt để việc ưu tiên cung cấp vật liệu cho Dự án dẫn đến một số gói thầu của dự án không mua được đá làm bê tông nhựa và phải mua tại các tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Nam làm tăng chi phí vận chuyên và kéo dài thời gian thi công.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thị xã có liên quan, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phụ trách; các chủ mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản.
|
|
Một đoạn thi công Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh Đình Phúc. |
Triển khai các thủ tục cấp phép mỏ đất... chậm
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc địa phương cho phép Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đất tại thôn Phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền) khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất với diện tích 69.004m2 (từ năm 2014 - 2020) đã bị xử phạt 542,8 triệu dòng; chưa có hướng xử lý, kiểm soát khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ được phép nâng công suất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ (mỏ đá Khe Phèn của Công ty TNHH Coxano Hương Thọ).
Trong quá trình thi công, có 5 mỏ đất được xác định trong hồ sơ thiết kế nhưng không cung cấp được vật liệu cho dự án (gồm các mỏ Duy Thái, Gích Dương, Trốc Voi, Việt Long, Khe Băng) và 3 mỏ đất cung cấp không đạt theo nhu cầu thiết kế (mỏ Vũng Nhựa, mỏ Hiền Sỹ, mỏ Vũng Chòi) dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường.
Đối với đất làm vật liệu đắp nền đường, để đảm bảo nguồn đất đắp thi công gói thầu XL5 (thiếu 0,375 triệu m3), gói XL6 (thiếu 0,41 triệu m3), BQL dự án đường Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế sớm cấp phép nâng công suất và mở rộng mỏ đất đồi Vũng Nhựa, mở rộng mỏ đất thôn Hiền Sỹ và sớm cấp phép khai thác tận thủ đất tầng phủ của mỏ sét thông Huỳnh Trúc, mỏ đất Động Đá.
Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các thủ tục cấp phép, giải quyết các đề nghị về điểm mỏ của BQL dự án còn chậm; đến thời điểm kết thúc thi công, mỏ đất Vũng Nhựa (không cấp phép khai thác phục vụ dự án), mỏ đất thôn Hiền Sỹ (không được bổ sung quy hoạch) dẫn đến chậm tiến độ cung ứng vật liệu theo nhu cầu, tiến độ dự án.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm thuộc về Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; UBND các huyện, thị xã có liên quan, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phụ trách; các chủ mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Từ những hạn chế, thiếu sót trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu (khối lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật) phục vụ dự án dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường trong quá trình thi công.
Xử lý nghiêm các Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã để xảy ra sai sót trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án để xử lý theo quy định, thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng dự án, trong đó tập trung vào các gói thầu xây lắp bị chậm tiến độ không liên quan đến vật liệu đất đắp nền đường; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công cầm chừng không đảm bảo tiến độ được phê duyệt.
Trước đó, ngày 18/8/2023, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6366/VPCP- V.I gửi Thanh tra Chính phủ; Bộ GTVT; Bộ Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cung cấp cho dự án thành phần Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung kết luận, kiến nghị nêu tại Kết luận thanh tra số 1782/KL-TTCP ngày 4/8/2023 về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá, sỏi làm vật liệu san lấp, đắp nền đường) tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Các Bộ: GTVT, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; báo cáo kết quả thực hiện đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2023.