Chính quyền buông lỏng quản lý?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, trên địa bàn huyện Thạch Thành, Như Xuân (Thanh Hóa) tồn tại nhiều điểm thua mua, chế biến gỗ keo vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Điển hình phải kể đến cơ sở thu mua, chế biến keo Đại Sứ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn). Theo UBND xã Thạch Sơn, tổng diện tích đất cơ sở chế biến này đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 6.000m2, trong đó có 2.000m2 là loại đất 5% (đất công ích) được chủ cơ sở này thuê của UBND xã Thạch Sơn. Diện tích còn lại, chủ cơ sở chế biến keo Đại Sứ mượn của người nhà, chủ yếu là đất nông nghiệp liền thửa với đất ở.
|
|
Cơ sở chế biến keo gỗ Đại Sứ nằm trên địa bàn xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành. Ảnh: ĐT |
Điều đáng nói là, theo hợp đồng thuê đất, mục đích thuê đất của chủ cơ chế biến keo Đại Sứ là để trồng cây hàng năm, thế nhưng nhiều tháng nay, cơ sở này đã tự ý cải tạo mặt bằng, đầu tư máy móc, thu mua keo gỗ để chế biến. Mặc dù đã hoạt động trong thời gian khá dài, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý vi phạm.
Theo đại diện UBND xã Thạch Sơn, việc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất sản xuất kinh doanh là không đúng quy định và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương: “Đây là đất được hộ gia đình thuê để trồng mía, tuy nhiên do chưa đến mùa vụ, nên người dân tận dụng diện tích đất nói trên phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. UBND xã sẽ kiểm tra và yêu cầu hộ dân trả lại mặt bằng để địa phương quản lý”, ông Bùi Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn cho biết.
|
|
Cơ sở chế biến gỗ keo tại xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành. Ảnh: ĐT |
Tại thôn 3, xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành) tồn tại cơ sở chế biến gỗ keo Năm Hương. Theo xác nhận cán bộ địa chính xã Thành Tâm, cơ sở thu mua, chế biến keo gỗ keo này đặt trên đất của gia đình ông Quách Văn Đức, diện tích khoảng 4.000m2, chủ yếu là đất trồng cây lâu năm. Theo quan sát, chủ cơ sở chế biến gỗ keo này sử dụng diện tích đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng để làm nhà xưởng, bãi tập kết gỗ keo, sân phơi keo thành phẩm.
Tại xã Bãi Trành (huyện Như Xuân) có hàng loạt cơ sở chế biến lâm sản, trong đó phải kể đến những cái tên như: Cơ sở chế biến của ông Nguyễn Văn Xuân (thôn 10); Trần Viết Huệ (thôn Chôi Trờn) Trịnh Văn Hà (thôn Cầu) và Công ty Công ty Cổ phần đầu tư và Sản xuất thương mại LHD (viết tắt là Công ty LHD, thôn Nhà Máy)...
|
|
Cơ sở chế biến gỗ keo của ông Trần Viết Huệ tại thôn Chôi Trờn, xã Bãi Trành, Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: ĐT |
Theo tìm hiểu, hầu hết các cơ sở chế biến gỗ keo tại xã Bãi Trành đều có chung vi phạm là: Cơ sở chế biến không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; tự ý chuyển đổi mục đích hàng nghìn m2 đất sản xuất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh; thực hiện hoạt động xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền (cơ sở của ông Trần Viết Huệ, Nguyễn Văn Xuân, Trịnh Văn Hà).
Đáng chú ý, trong số danh sách các cơ sở chế biến gỗ keo nói trên, Công ty LHD mặc dù được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương thực hiện dự án sản xuất và cung cấp các sản phẩm đồ gỗ nội thất, gỗ nan xuất khẩu và vật liệu xây dựng, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiến hành nhập nguyên liệu và thực hiện các hoạt động băm dăm (không đúng ngành nghề sản xuất theo giấy phép được cấp).
|
|
Cơ sở chế biến gỗ keo của Công ty LHD tại thôn Nhà Máy xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: ĐT |
|
|
Gỗ keo được vận chuyển vào Công ty LHD. Ảnh:QT |
Theo UBND huyện Như Xuân, cách đây không lâu, chính quyền địa phương đã ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ keo trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về sử dụng đất (tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không phù hợp với quy hoạch…). Điều đáng nói là, một số cơ sở nói trên đã bị dù đã bị xử phạt nhiều lần và yêu cầu tháo dỡ các hạng mục vi phạm trả lại nguyên trạng thửa đất nhưng chủ cơ sở chế biến gỗ keo vẫn không chấp hành.
Chết người, ai phải chịu trách nhiệm?
Theo quan sát, các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo gỗ đặt trên đất ở, đất nông nghiệp tại huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành chủ yếu nằm dọc tuyến quốc lộ 45, đường mòn Hồ Chí Minh… để thuận tiện cho việc tập kết hàng hóa và vận chuyển. Các điểm thu mua, chế biến gỗ keo được đầu tư sơ sài, thậm chí là bãi đất trống, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn lao động từ hoạt động thu mua gỗ keo tự phát.
Điển hình như, cách đây chưa lâu trên địa bàn xã Phượng Nghi (huyện Như Thanh) xảy ra vụ tai nạn lao động gây chết người. Nạn nhân là anh Đặng Thanh V. (quê huyện Như Thanh). Thông tin từ người nhà nạn nhân cho hay, quá trình bốc xếp gỗ keo lên xe tải, anh V. bị keo rơi trúng ngực và tử vong không lâu sau đó. Gia đình nạn nhân sau đó được chủ cơ sở thu mua keo tự phát hỗ trợ 20 triệu đồng để lo hậu sự.
|
|
Cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến), huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Ảnh: ĐT |
Mặc dù hoạt động thu mua, chế biến gỗ keo tự phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành diễn ra trong thời gian dài, gây nhiều gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường… thế nhưng các địa phương không có giải pháp kịp thời, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng nêu trên.
Thậm chí, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc rà soát kiểm tra các điểm thu mua keo tự phát gắn bàn cân, thế nhưng các điểm thu này hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Điển hình phải kể đến hoạt động của Công ty TNHH sản xuất chế biến lâm sản Tân Tiến (khu phố Hải Tiến, thị trấn Như Thanh). Trên diện tích hơn 9.000m2 (phần lớn là đất nông nghiệp), doanh nghiệp này đã xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (nhà điều hành, xưởng chế biến, bàn cân, bãi tập kết nguyên liệu…). Đa phần diện tích đất nói trên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo quan sát, mỗi ngày, cơ sở này vẫn thu mua, tập kết, vận chuyển hàng chục tấn gỗ keo đi tiêu thụ.
|
|
Cơ sở chế biến gỗ tại thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: ĐT |
Nói về việc hoạt động của các điểm thu mua keo tự phát gắn bàn cân theo phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho hay, đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Như Thanh để làm rõ vấn đề báo nêu.
“Chúng tôi ủng hộ nếu nông dân bán được keo với giá cao. Tuy nhiên, việc lập các điểm thu mua tập kết gỗ keo, gắn bàn cân phải thực hiện theo quy định như: Phải phù hợp với quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, vấn đề môi trường. Vấn đề này, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan để làm rõ vấn đề trên”, ông Cường chia sẻ.
Nhận định về vụ việc nêu trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội) cho rằng, các điểm thu mua, cơ sở chế biến gỗ keo mọc lên tự phát tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa có nguyên nhân từ việc chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý.
“Về mặt quy định pháp luật, không ai cấm người dân sản xuất kinh doanh, nhưng hoạt động này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, an toàn giao thông để tránh tạo ra sự xung đột lợi ích giữa các bên. Chính quyền địa phương không thể không biết việc này, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý, hoặc 'làm lơ' trước hoạt động nêu trên...”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm chấn chỉnh hoạt động thu mua keo tự phát trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra sự lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá nhân trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở TN&MT Thanh Hóa trên địa bàn tỉnh có hơn 13.000 nghìn trường hợp là hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp trên diện tích hơn 2.000 ha; có 74 tổ chức vi phạm xây dựng công trình trái phép trên diện tích hơn 7,5 ha đất; Có hơn 1.500 trường hợp vi phạm do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình trái phép trên diện tích hơn 22 ha đất nông nghiệp thuộc phạm vi đất giao cho các Công ty nông, lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ.