Như VietNamNet đưa tin, ngày 25/6, Công an quận 3 (TPHCM) đã vào cuộc để xác minh, điều tra vụ việc chị Bùi Thái Bảo Châu (27 tuổi, là người mẫu, nghệ danh Châu Bùi) trình báo bị quay lén khi thay đồ trong nhà vệ sinh ở một studio trên địa bàn.

Theo nội dung người mẫu Châu Bùi chia sẻ trên Facebook cá nhân, vào rạng sáng 25/6, trước khi cô và ê kíp quay quảng cáo cho nhãn hàng, họ đã cẩn thận kiểm tra kỹ nhà vệ sinh trước khi thay đồ. Nhưng sau đó, nhóm vô tình phát hiện thiết bị camera quay lén giấu trong mặt đồng hồ đo nước ẩn sau chiếc khăn tắm. Châu Bùi cùng nhóm kiểm tra, xác định đây là thiết bị quay lén.

Đánh giá về sự việc nêu trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, hành vi quay lén người khác trong phòng thay đồ là hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội. Nếu phát tán những hình ảnh này gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

leftcenterrightdel
 Người mẫu Châu Bùi. Ảnh: Fb nhân vật

Luật sư cho hay, hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân, quay phim chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ghi hình người khác trong những tình thế, tư thế nhạy cảm.

Khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…”.

Những đặc điểm về cơ thể, hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của mỗi cá nhân được xác định là bí mật đời tư cá nhân, là một trong những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. 

Hành vi quay phim chụp ảnh đặc điểm cơ thể của người khác một cách lén lút là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với nạn nhân, cho thấy ý thức coi thường pháp luật của người vi phạm. 

Hành vi này nếu bị tố cáo, tố giác thì người ghi hình lén người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại dân sự.

Làm rõ mục đích kẻ quay lén

Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan công an sẽ làm rõ mục đích sử dụng các clip ghi lại hình ảnh nhạy cảm của cô người mẫu. Đồng thời làm rõ, ngoài hành vi đã bị phát hiện, người quay lén đã từng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tương tự hay chưa, hậu quả đến đâu.

Từ đó cơ quan công an sẽ đánh giá tổng thể về sự việc, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, nhận thức của người vi phạm, hậu quả do hành vi đó gây ra để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, đối tượng đã nhiều lần thu thập trái phép những hình ảnh nhạy cảm của cá nhân rồi đăng tải lên mạng Internet để trục lợi, hoặc cung cấp cho các trang web đồi trụy, hoặc sử dụng hay bán cho các đối tượng khác để đe dọa tống tiền nạn nhân… thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này, các tội danh mà đối tượng có thể bị truy cứu gồm: "Làm nhục người khác"; "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy"; "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử". Nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền thì còn có thể bị xử lý hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản". 

Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tới 30 triệu đồng, theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Còn luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TPHCM) thì cho rằng, hình ảnh vào nhà vệ sinh, thay đồ có tính bí mật cá nhân theo qui định pháp luật, không ai khác được phép quay chụp. Bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, việc thu thập bí mật cá nhân của ai là phải được chính người đó đồng ý.

Quay lén hình ảnh riêng tư trong nhà vệ sinh, phòng thay đồ, là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Tuỳ mức độ để xử lý. 

Ở mức độ chưa nghiêm trọng, quay lén được coi là thu thập thông tin cá nhân trái pháp luật, bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo qui định tại Điểm a Khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ. 

Nếu ở mức độ nghiêm trọng (tức hình ảnh quay dài, rõ nét về hình ảnh riêng tư…) thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác qui định tại Điều 155 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt đối với tội danh này có thể lên đến cao nhất 5 năm tù. Ngoài ra, nếu hình ảnh bị phát tán, người phát tán có thể bị xử lý vai trò đồng phạm và bị xem xét thêm tội danh “Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ”.

“Tôi cho rằng, hành vi quay lén là rất thiếu đạo đức, làm nhục người khác nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tâm lý âu lo lâu dài cho họ, nhất là với những người nổi tiếng trong cộng đồng xã hội, cho nên cần phải xử lý nghiêm người quay lén để răn đe chung”, luật sư Dũng trình bày quan điểm.

Nguồn vietnamnet
Link bài gốc

https://vietnamnet.vn/can-lam-ro-muc-dich-cua-ke-quay-len-nguoi-mau-chau-bui-khi-thay-do-2295331.html