Hội làng Triều Khúc bắt nguồn từ tích kể lại vào thế kỷ thứ 8, vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập kết các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây đánh đuổi đạo quân giặc Đường. Nhằm động viên tướng sĩ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng.
Điệu múa “con đĩ đánh bồng” xuất phát từ đây và trở thành một trong 10 điệu múa dân gian xưa của vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Theo các bậc cao niên tại địa phương, Hội làng Triều Khúc được tổ chức để tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (dân gian gọi là Thành Hoàng làng), là người có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, giành lại chủ quyền và độc lập dân tộc.
Trong lễ rước trang trọng, lễ hội của cả làng Triều Khúc có nhiều nghi thức từ xưa truyền lại. Đặc biệt, rất nhiều điệu múa được tổ chức linh đình, hấp dẫn và thu hút người xem.
Một trong những tiết mục độc đáo nhất tại Hội làng Triều Khúc phải kể đến là điệu múa cổ "con đĩ đánh bồng". Người dân ở đây cho rằng, những chàng trai được tuyển chọn để biểu diễn trong tiết mục múa cổ ở đây là niềm tự hào của gia đình và xã hội, bởi tiêu chí tuyển chọn người múa rất khắt khe. Họ phải là trai tân chưa vợ, vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, con nhà gia giáo…
Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 nam thanh niên giả gái nhảy điệu múa bồng. Họ được trang điểm với mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ nữ, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau.
Múa bồng có động tác đơn giản như xoay tròn, tựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng lại mang dáng dấp kiểu cách, quý phái, không phải ai cũng bắt chước được. Điệu múa phóng khoáng, dứt khoát, mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Các “con đĩ” vừa đi vừa nhún nhảy, ánh mắt lúng liếng, miệng cười xúng xính, tay vỗ trống bồng theo âm thanh vang dội, tưng bừng của dàn trống cái rất sôi động. Họ cùng nhau nhảy múa nhịp nhàng trong sự reo hò phấn khích thích thú của đông đảo người dân xem Hội.
Anh Cao Xuân Ngọc sinh năm 1995 ở xóm Án, xã Tân Triều cho biết: “Em đã tham gia điệu mua này từ năm 2010 cho đến nay là 14 năm và 12 lần biểu diễn. Với tinh thần yêu nghệ thuật, mong muốn gìn giữ văn hóa tốt đẹp của làng, của dân tộc nên mỗi lần biểu diễn là mỗi lần háo hức chờ đợi. Hiện nay, chúng em đang có câu lạc bộ để truyền lại cho các em thế hệ sau tại làng. Câu lạc bộ này được những thế hệ trước truyền lại cho khoảng 10 em đang là học sinh cấp 2 và được tập luyện mỗi tuần một lần để mong muốn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc không bị mai một.
Ông Dương Xuân Kỷ - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Mặt trận thôn Triều Khúc chia sẻ: Lễ hội Triều Khúc là một lễ hội thường xuyên hàng năm được tổ chức để kỷ niệm công lao to lớn của đức thánh Phùng Hưng, tức Bố Cái Đại Vương. Đây là lễ hội phi vật thể cấp quốc gia được lãnh đạo Thành phố Hà Nội, huyện Thanh Trì và xã Tân Triều tập trung chỉ đạo thực hiện lễ hội tốt đẹp, văn minh, giữ gìn truyền thống đặc sắc của dân tộc nói chung và của dân làng Triều Khúc nói riêng.
Chị Nguyễn Thị Hiền - một khách thập phương hào hứng chia sẻ: "Hôm nay là lần thứ 2 tôi đến với Hội làng Triều Khúc, đây là một hoạt động văn hóa tâm linh rất ý nghĩa, thể hiện sự thành tâm của thế hệ con cháu uống nước nhớ nguồn và luôn khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha ông đã có công xây dựng non sông, bờ cõi và gìn giữ đất nước ta phát triển qua nhiều thời đại".
Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, người đã mang lại cuộc sống no ấm, yên bình cho dân làng. Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, múa bồng Triều Khúc vẫn được bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay.
Một số hình ảnh tại lễ hội: