|
|
Hình ảnh cô giáo ngất xỉu sau khi bị một chiếc dép ném vào mặt |
Chiều 6/12, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, phóng viên đặt câu hỏi đến Bộ GD&ĐT về đề xuất đưa học thêm, dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và vấn đề vừa qua xảy ra vụ việc một nhóm học sinh ép cô giáo vào tường để văng tục chửi bậy ở Tuyên Quang. Bộ GD&ĐT nhìn nhận sự việc này như thế nào và xử lý thế nào để các vụ việc tương tự trong thời gian tới không xảy ra nữa?
Đưa dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ pháp lý
Trả lời nội dung về dạy thêm học thêm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17). Việc ban hành Thông tư 17 ở thời điểm năm 2012 dựa trên cơ sở pháp lý là dịch vụ tổ chức dạy thêm, học thêm được đưa vào danh mục trong Luật Đầu tư là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính vì vậy, Thông tư 17 mới có cơ sở để quy định điều kiện về tổ chức dạy thêm học thêm.
|
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn làm rõ các vấn đề dạy thêm học thêm và bạo lực học đường |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sau khi việc dạy thêm, học thêm được đưa khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Thông tư 17 phải bãi bỏ những điều khoản, quy định tương ứng. Trên thực tế, khi bãi bỏ đã có những vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại các địa phương.
Do đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bộ đã 2 lần có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nội dung này.
Về một số ý kiến cho rằng, đa số giáo viên dạy thêm hiện nay là nhỏ lẻ, Thứ trưởng Bộ GDĐT thông tin, giáo viên tham gia vào dạy thêm theo 3 đến 4 hình thức, thầy cô dạy nhỏ lẻ dạy học sinh lớp khác, gia sư, phụ huynh nhờ; tham gia dạy thêm ở các trung tâm; tự thầy cô tổ chức trung tâm đó; có hình thức mới là dạy trực tuyến, một số thầy cô tổ chức một mình, có thêm đồng nghiệp tham gia, quy mô lớn.
"Việc dạy thêm, học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm. Nhưng nhiều vấn đề dư luận đặt ra, phụ huynh học sinh quan tâm là con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao; địa phương quan tâm nội dung thế nào; có đảm bảo công khai, minh bạch không" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý được, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học cũng như đảm bảo quyền lợi thầy cô.
"Chúng tôi sẽ hoàn thiện, sửa đổi thông tư để ban hành. Quản lý chất lượng, quản lý về mặt thời gian, trách nhiệm của thầy cô, trong trường hợp nào thì được dạy thêm, có trong trường học không, với đối tượng nào. Chúng tôi cho rằng cái này là cần thiết nên đề xuất lại để đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chứ không thể cứ nói là nhỏ lẻ, bởi dạy trên mạng thì không nhỏ lẻ và nhỏ lẻ cũng phải quản lý", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Bạo lực học đường là vấn đề chung chúng ta phải quan tâm
Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh ép cô giáo vào tường để văng tục chửi bậy ở Tuyên Quang, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày hôm qua (5/12) Bộ đã có công văn gửi về UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo để xác định rõ vụ việc.
|
|
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 |
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đây là vụ việc rất nghiêm trọng với những hành vi không thể chấp nhận được.
"UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và nhà trường trước tiên làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan một cách khách quan, thấu đáo. Trên cơ sở đó phải có những biện pháp để xử lý nghiêm, những gì là trách nhiệm của giáo viên, trách nhiệm liên quan đến nhà trường, lãnh đạo nhà trường, những gì liên quan đến học sinh, trách nhiệm của phụ huynh. Phải xem xét tổng thể để có những biện pháp xử lý vướng mắc, cần thiết phải chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc việc này", ông Hoàng Minh Sơn nói.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra thực trạng thời gian qua, có những vụ việc tương tự. Vì vậy, vấn đề bạo lực học đường là vấn đề chung chúng ta phải quan tâm.
"Biện pháp xử lý kỷ luật đối với một vụ việc cụ thể chỉ là giải pháp trước mắt nhưng giải pháp căn cơ phải là giáo dục và quản lý", ông Hoàng Minh Sơn nói.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, trước hết, phải xem xét quy trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Trong quá trình tuyển dụng cần đánh giá cả về chuyên môn, phẩm chất và kỹ năng xử lý, công tác giáo dục tuyên truyền ở lớp, ở trường đối với học sinh.
Bộ GD&ĐT đã có những văn bản hướng dẫn đầy đủ nhưng công tác triển khai cụ thể, kỹ năng của từng giáo viên thì cần có sự theo dõi thường xuyên và có biện pháp đánh giá. Đối với nhà trường, cũng cần xem xét đánh giá ở góc độ quản lý.
"Việc để một vụ việc như vậy xảy ra sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nên phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để ngăn vụ việc tương tự. Trong quan hệ thầy - trò, trong tư tưởng, đạo đức, diễn biến tâm lý... người quản lý lớp phải có những biện pháp quản lý, theo dõi", ông Hoàng Minh Sơn nói.
Về phía gia đình, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong văn bản Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh, ở đây giáo dục không chỉ trong nhà trường mà trong mỗi gia đình phải xem xét cụ thể từng trường hợp.
Cuối cùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Theo ông Hoàng Minh Sơn, bạo lực học đường cũng là hiện tượng. Việc giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường và gia đình mà trách nhiệm của toàn xã hội.
Nếu văn hoá trong xã hội từ văn hoá giao thông, văn hoá ứng xử, văn hoá trên mạng... được làm tốt thì sẽ tác động rất quan trọng đến học sinh.
Về biện pháp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục để làm tốt công tác giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt về tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp với phụ huynh.
"Đây cũng là điều chúng tôi rất trăn trở", ông Hoàng Minh Sơn nói.