Ngày 27/11, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết xử lý vi phạm nồng độ cồn giúp tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay xảy ra 222 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết 99 người, bị thương 168 người. So với cùng kỳ 2022 đã giảm gần 26%, người chết giảm 50%, bị thương giảm gần 23%.
|
|
Đại tá Nguyễn Quang Nhật trả lời về nồng độ cồn. Ảnh: Gia Chính |
"Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không có ngày nghỉ đối với vi phạm này", đại tá Nhật nói, cho biết thêm trong 11 tháng năm nay đã xử lý gần 700.000 trường hợp, trung bình mỗi ngày hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 23% trong tổng các lỗi vi phạm được xử lý.
Trước một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe là quá nghiêm khắc, cứng nhắc, đại tá Nhật giải thích quy định này thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, theo đó điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm. Hơn nữa, điều khiển phương tiện tham gia giao thông đòi hỏi sức khỏe, sự tập trung, tâm lý tốt, vì "đây là nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong Bộ luật Dân sự".
"Bây giờ trước khi uống rượu bia, người dân đều phải cân nhắc tìm phương án để không phải lái xe như đặt người lái hộ, đi taxi. Thói quen, văn hóa không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia đã tác động đến đại bộ phận người dân", đại diện Cục CSGT nói.
Về phản ánh "có nồng độ cồn vì sử dụng một số thực phẩm, đồ uống lên men như hoa quả, rượu nếp", đại tá Nhật cho rằng không chỉ rượu bia, ma túy mà các chất kích thích khác cũng bị cấm sử dụng khi lái xe. Ngay cả với một số loại tân dược, yêu cầu y lệnh và bác sĩ cũng khuyến cáo "không được lái xe hoặc điều hành máy móc sau khi uống thuốc".
|
|
CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh: G.C |
Trước một số ý kiến đề nghị nâng mức phạt vi phạm nồng độ cồn để răn đe, đại tá Nhật cho hay mức xử phạt hiện nay đã cao, cụ thể với người điều khiển xe môtô là 8 triệu, ôtô 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng.
"Tuy nhiên, vẫn cần thêm quy định cụ thể trong luật hình sự đối với hành vi có nguy cơ gây thiệt hại ở mức đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nồng độ cồn ở mức bao nhiêu thì được xem như vậy", đại tá Nhật nói.
Giữa năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định cấm Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0.
Tuy nhiên, thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, nhiều đại biểu cùng cơ quan thẩm tra - Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc nội dung cấm Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Một trong những lý do là "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương".
Dự kiến dự luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.