leftcenterrightdel
Dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu dùng nước của người dân Thủ đô ngày càng tăng 

Nỗ lực phát triển hệ thống cấp nước

Về hiện trạng hệ thống cấp nước thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đến thời điểm 31-12-2022 có 3 đơn bị bán buôn (sản xuất nước sạch từ nguồn nước mặt) và 8 đơn vị cấp nước (lưu thông, bán lẻ nước sạch sinh hoạt). Ngoài ra, còn 85 trạm cấp nước nông thôn cục bộ, được hình thành chủ yếu từ các dự án nước sạch nông thôn trước đây.

Về sản lượng sản xuất, đến thời điểm 31-12-2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày-đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm đạt 770.000 m3/ngày-đêm, sản xuất nước mặt đạt 750.000 m3/ngày-đêm. Các trạm cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm từ 300-1.000 m3/ngày-đêm.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số cơ học kéo theo nhu cầu dùng nước sạch ngày càng tăng của người dân (nhu cầu sử dụng nước sạch khu vực nội thành tăng bình quân 6-7%/năm), yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, đã và đang khiến công tác cấp nước của thành phố đối mặt với không ít thách thức. Đây cũng là thách thức mà thành phố đã đối mặt trong giai đoạn từ năm 2018 trở về trước.

leftcenterrightdel
 Công trình hồ lắng và trạm bơm dâng bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước đáp ứng yêu cầu đầu vào cho nhà máy hoạt động 

Cụ thể, theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn trước đây, trước sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước sạch bởi sự gia tăng dân số cơ học, đô thị hóa (số khách hàng đấu nối tăng thêm trung bình 50.000- 60.000 khách hàng/năm), song nguồn cung nước sạch chưa theo kịp, vì vậy tại nhiều khu vực dân cư trên địa bàn Thủ đô, tình trạng thiếu nước sạch, mất nước sạch kéo dài thường xuyên xảy ra, nhất là trong những đợt cao điểm nóng hè, gây đảo lộn đời sống của người dân.

Nỗ lực đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân, thành phố đã đặc biệt quan tâm cho lĩnh vực này. Khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, Hà Nội đã chủ trương xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước. Theo đó, tính đến năm 2022, thành phố đã kêu gọi được 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 28 dự án phát triển mạng lưới. Đến nay, nhiều dự án lớn đã bước vào giai đoạn khai thác, nâng công suất cung cấp nước sạch cho thành phố đạt 1.530.000 m3/ngày- đêm, tăng 623.000 m3/ngày- đêm, bằng 169% so với công suất năm 2016.

“Tại thời điểm năm 2022, nguồn nước cấp cho thành phố đã ổn định, bảo đảm chất lượng, an toàn, an ninh cấp nước, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, từ năm 2025, trường hợp các dự án cấp nguồn tiến độ đầu tư không bảo đảm theo kế hoạch thì thành phố có thể không bảo đảm nguồn cung về nước sạch sinh hoạt”- ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) lo ngại.

Nhiều dự án cấp nước đang chậm tiến độ

Lo ngại của ông Lê Văn Du là có cơ sở khi đến nay, trong số 39 dự án cấp nước đã được thành phố chấp thuận đầu tư, có nhiều dự án vẫn đang chậm tiến độ hoàn thành theo kế hoạch. Trong đó đáng chú ý là dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng (UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 5611/QĐ-UBND ngày 24-10-2015), công suất phân kỳ I theo quy hoạch là 150.000 m3/ngày-đêm, phân kỳ II là 300.000 m3/ngày-đêm, cấp nước cho dân cư khu vực phía Tây Hà Nội. Ngoài ra, còn có các dự án phát triển mạng lưới cấp nước chậm tiến độ cho các khu vực dân cư: 8 xã của huyện Đan Phượng, 4 xã của huyện Ba Vì, 4 xã của huyện Chương Mỹ.

leftcenterrightdel
 Hà Nội đang tiếp tục đôn đốc triển khai các dự án cấp nước

Bên cạnh đó, khu vực 105 xã trên địa bàn các huyện: Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, đã giao chủ đầu tư nhưng đến nay đã quá thời gian hoàn thành dự án nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện.

Nguyên nhân của việc chậm, không thực hiện triển khai dự án cấp nước, bên cạnh dự án phát triển nguồn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc phát triển mạng lưới cấp nước theo khu vực, thì còn do giá nước thấp.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực tế, chi phí đầu tư cho các dự án cấp nước nông thôn rất lớn do phạm vi dự án trải dài, mật độ dân cư thưa. Có nhiều xã, suất đầu tư lên hơn 35 triệu đồng/hộ, song tỷ lệ hộ dân đấu nối sử dụng và mức sử dụng nước khá thấp, trung bình 6-8 m3/hộ/tháng, dẫn tới khó thu hồi vốn.

Ông Vũ Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Thủ Đô - đơn vị được thành phố giao đầu tư phát triển 3 dự án cấp nước sạch cho 25 xã, thị trấn tại huyện Thạch Thất, Quốc Oai, chia sẻ: Các dự án do công ty triển khai có tổng mức đầu tư là 407,094 tỷ đồng. Đối tượng cấp nước của dự án là khu vực nông thôn, bán sơn địa có đặc thù địa bàn rộng, dân cư thưa thớt và có thói quen sử dụng nước mưa, nước giếng khoan cho sinh hoạt, cộng với thu nhập thấp dẫn tới mức tiêu thụ cho mỗi hộ chỉ ở mức sinh hoạt 1 (dưới 10m3/tháng), giá bán nước theo quy định là 5.973 đồng/m3, trong khi giá mua buôn nước sạch của công ty đã là 5.069,76 đồng/m3...

“Ngay khi dự án hoàn thành đi vào cấp nước (năm 2016, 2017), công ty đã phải chịu lỗ mỗi khối nước bán ra khoảng 5.300 đồng/m3. Lỗ lũy kế đến ngày 30-6-2021 là 28,8 tỷ đồng. Khó khăn về tài chính nên công ty chưa thể tiếp tục triển khai các hạng mục đầu tư phần còn dang dở...", ông Vũ Văn Toản nói.

Về chủ trương phát triển hệ thống cấp nước trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đã kiểm điểm và đã xây dựng giải pháp thực hiện. Theo đó, cùng với thực hiện điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thu hồi 2 dự án cấp nước nhà đầu tư không triển khai; giao Sở Xây dựng tiếp tục tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đang triển khai. Đối với những khu vực chưa có nhà đầu tư và những khu vực nhà đầu tư không thực hiện (133 xã), thực hiện phân vùng cấp nước, giao cho 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng cấp nước giai đoạn 2022-2025 và 1 dự án do UBND huyện Ba Vì triển khai thực hiện cấp nước...

leftcenterrightdel
 Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội: Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, giảm dần khai thác nước ngầm

Hiện thành phố đang có 3 dự án khai thác nước mặt có công suất lớn để bổ sung nguồn cấp, gồm: Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống (đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 300.000 m3/ngày-đêm, đã thực hiện cấp nước từ đầu năm 2019). Sau khi đi vào hoạt động ổn định, giai đoạn từ năm 2025-2030, nhà đầu tư sẽ tiếp tục nâng công suất lên 600.000 m3/ngày-đêm. Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng (công suất phân kỳ I là 150.000 m3/ngày-đêm, phân kỳ II là 300.000 m3/ngày-đêm); Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà (đã triển khai cấp nước giai đoạn 1 công suất 300.000 m3/ngày-đêm. Hiện nhà máy đang triển khai giai đoạn 2, theo quy hoạch đến năm 2025 nâng công suất lên 600.000 m3/ngày-đêm, đến năm 2030 nâng công suất lên 900.000 m3/ngày-đêm.

Ba dự án nhà máy sản xuất nước trên nếu triển khai bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch có thể cấp bổ sung cho thành phố 1.800.000 m3/ngày-đêm (tăng 140% so với công suất tại thời điểm hiện nay), sẽ bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân và bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.


Nguồn
Link bài gốc

https://baomoi.com/cap-nuoc-thu-do-co-ban-dap-ung-nhu-cau-nguoi-dan/c/46211555.epi