Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội ngày 3/11, Bộ Nội vụ cho rằng đề xuất nêu trên nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Chủ trương phân loại cán bộ sai phạm để xử lý, đơn cử như trong đại án Việt Á, từng được Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nêu hồi tháng 8. Theo đó, những người thứ yếu, phụ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi trong vụ án sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Ngoài kiến nghị trên, Bộ Nội vụ nêu hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc. Cán bộ, công chức phải có tự trọng, bản lĩnh, xóa bỏ nhận thức không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử. Người sợ sai được xem là "tự diễn biến, cản trở nghiêm trọng phát triển".

Cùng với hoàn thiện thể chế, nhất là lĩnh vực kinh tế - xã hội còn nhiều vướng mắc và đẩy mạnh phân quyền, Bộ Nội vụ kỳ vọng chính sách tiền lương mới áp dụng từ giữa năm 2024 sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cán bộ sợ sai. Thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp được giảm tối đa và thực hiện trên môi trường điện tử cũng hạn chế được tình trạng này.

leftcenterrightdel
 Cán bộ TP Thủ Đức, TP HCM làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, tháng 1/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngoài thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, Bộ Nội vụ đề xuất miễn nhiệm, cho từ chức những người không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu các đơn vị bị xử lý nếu để cán bộ, công chức làm việc cầm chừng. Tuyển dụng, đánh giá cán bộ được đổi mới bằng sản phẩm cụ thể. Nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ được đẩy mạnh.

Thời gian qua, nhiều cơ quan Nhà nước xảy ra tình trạng cán bộ né tránh việc khó, nhạy cảm khi thực thi công vụ và giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều nơi để tồn đọng công việc hoặc hướng dẫn không rõ chính kiến.

Cán bộ sợ sai biểu hiện rõ trong đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư và sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân. Tình trạng này làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, theo Bộ Nội vụ.

Cuối tháng 9, Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.

Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Thảo luận tại Quốc hội ngày 1/11, đại biểu Trần Hữu Hậu (nguyên Bí thư Thành ủy TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) cho rằng thay vì để cán bộ phải "xé rào" thực thi nhiệm vụ, cần tìm rõ vướng mắc, chồng chéo và giải quyết để cán bộ yên tâm làm việc. Xây dựng pháp luật cần hướng đến cán bộ không phải "dám nghĩ, dám làm" theo nghĩa "xé rào".


Nguồn VnExpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/bo-noi-vu-de-nghi-khoan-hong-can-bo-sai-pham-khong-vu-loi-ca-nhan-4673222.html