Bức tranh kinh tế quý I/2024 cho thấy khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn tiếp đà tăng trưởng ổn định. 3 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%. Trong Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học kinh tế quốc dân nhìn nhận: Tổng xuất nhập khẩu lên đến 180 tỷ USD. Với tốc độ này thì cả năm có thể đạt 800-820 tỷ USD, vượt qua năm ngoái khoảng 100 tỷ USD. Đầu tư công lại đang quyết liệt được giải ngân. Tôi cho rằng đang có rất nhiều điểm sáng. Đáng tư hào là kinh tế nước ta đang bước sang một chu kỳ mới. Nếu chúng ta duy trì được phong độ như này thì sẽ rất tốt cho cả năm nay và những năm tiếp theo.
Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23% vào tăng trưởng của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong phân tích: Các đơn hàng của các ngành công nghiệp như dệt may, da giầy cũng như một số ngành nghề khác gặp khó khăn về thị trường thì năm nay đã có sự khởi sắc. Một điểm tích cực khác là có sự bùng nổ mạnh mẽ của ngành du lịch và trong thu hút đầu tư nước ngoài, đã tạo ra nguồn lực bổ sung rất tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù có nhiều điểm sáng, nhưng nền kinh tế nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 3 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ (vốn dưới 10 tỷ đồng), chiếm gần 90% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm) nên nguồn lực có hạn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong khu vực dịch vụ (chiếm trên 74%).
|
|
Trong quý I/2024 có 36.244 doanh nghiệp thành lập mới, là số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I cao nhất trong 10 năm trở lại đây |
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nên chịu tác động đan xen với các khó khăn thách thức của kinh tế thế giới. Các biến động về chính trị, kinh tế, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Để đạt được tăng trưởng như mục tiêu đề ra, cần thực hiện một số giải pháp phù hợp với thực tế: Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống mới phát sinh. Liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát. Phối hợp chặt chẽ, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Cần theo dõi chặt diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện điều chỉnh giá điện, các dịch vụ giáo dục, y tế theo tiến độ và thời điểm phù hợp với thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, đến sản xuất kinh doanh và đặc biệt là tác động đến đời sống của người dân.
Trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%. Xét các yếu tố trong và ngoài nước gây nên biến động giá hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trong 3 quý còn lại, khả năng kiểm soát lạm phát năm 2024 như mục tiêu đặt ra là khả thi. Tuy vậy, các chuyên gia khuyến nghị không nên chủ quan vì các áp lực lạm phát còn rất lớn.