Trong buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024 được tổ chức mới đây, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ cuối năm ngoái đến nay xuất hiện rất nhiều trường hợp lừa đảo qua mạng.
Trong đó, kẻ lừa đảo thường đánh vào điểm yếu nhất trong chuỗi thanh toán là người dùng.
|
|
Từ ngày 1/7, người dùng chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực sinh trắc học để tránh lừa đảo. (Ảnh: Hoa Mỹ) |
"Hệ thống ngân hàng Việt Nam rất an toàn, bảo mật, không có chuyện hacker xâm nhập vào được. Những kẻ lừa đảo thường đánh vào các yếu tố phi kỹ thuật như người dùng", ông nói.
Hạn chế lừa đảo
Trên thực tế, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu - ACB cho biết người dân được truyền thông rất nhiều về các chiêu thức lừa đảo, tuy nhiên tần suất các vụ việc mất tiền xảy ra vẫn ngày càng cao với số tiền nhiều hơn, thậm chí lên đến hàng chục tỷ đồng.
"Trong các vụ mất tiền, nhiều người dù có học thức cao, thậm chí là nhân viên ngân hàng, nhưng họ vẫn cho biết đã bị thao túng tâm lý và không cưỡng lại được", ông nói.
Do đó, bên cạnh việc tăng nhận thức của người dùng, ông đề xuất ngành ngân hàng cũng cần giải quyết thấu đáo vấn đề công nghệ.
Để đảm bảo quyền lợi của người dân, Quyết định 2345 mới đây của NHNN đã quy định kể từ ngày 1/7, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học (khuôn mặt và vân tay).
|
|
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024. (Ảnh: SBV) |
Ông Lê Anh Dũng cho biết theo thống kê của NHNN, có đến 70% giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng. Do vậy, cơ quan quản lý đã đưa ra mức 10 triệu đồng/lần giao địch để cân đối giữa mục tiêu xác thực giao dịch mạnh và đảm bảo trải nghiệm của người dùng.
Trong trường hợp tội phạm lợi dụng kẽ hở để thực hiện nhiều giao dịch dưới ngưỡng 10 triệu đồng/lần, nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng sinh trắc học dù chỉ chuyển vài nghìn đồng.
"Như vậy, nếu muốn trải nghiệm xuyên suốt, phục vụ lâu dài thì khách hàng buộc phải ra ngoài đăng ký sinh trắc học. Còn không, phải đến ngày hôm sau mới thực hiện được giao dịch. Giới hạn này để phòng chống lừa đảo, tránh kẻ gian lợi dụng, nhằm mục đích bảo vệ chứ không gây khó cho người dùng", ông chia sẻ.
Ông Dũng cũng thừa nhận trước mắt quy định xác thực sinh trắc học có thể gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân, ông nhấn mạnh việc này bắt buộc phải làm.
Với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán, thẻ và tài khoản, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó tổng giám đốc Napas - cũng cho biết đang phối hợp với các ngân hàng thành viên soạn thảo bộ quy trình phối hợp với các ngân hàng dựa trên quy định pháp lý hiện nay.
Theo đó, khi nhận diện được giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, nhà băng có thể trao đổi với Napas để thông tin cho ngân hàng được nhận tiền, để họ có hành vi tương ứng như khóa tài khoản, tạm ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng số hoặc yêu cầu khách hàng ra quầy thực hiện giao dịch.
"Việc này sẽ giúp làm chậm luồng tiền luân chuyển của kẻ lừa đảo", ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
"Xác thực sinh trắc học sẽ rất mượt mà"
Chia sẻ về quá trình thực hiện các nội dung của Quyết định 2345, lãnh đạo ACB cho biết nhà băng này đã phải bỏ ra khoản đầu tư rất lớn trong khi hầu hết dịch vụ giao dịch của ngân hàng đều miễn phí.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc đầu tư này 'đáng đồng tiền bát gạo' vì nó mang lại sự an toàn cho khách hàng. Và khi khách hàng thấy được sự an toàn đó, họ sẽ tìm đến sử dụng các dịch vụ của ngân hàng", ông Từ Tiến Phát nói và cho biết trong tháng 6 tới ACB sẽ thông báo đến khách hàng về việc đăng ký xác thực thông tin.
"Nhiều người lo lắng việc xác thực gương mặt sẽ phiền phức, nhưng chúng tôi khẳng định trải nghiệm khách hàng không bị ảnh hưởng và rất mượt mà", lãnh đạo ACB nhấn mạnh.
Theo ông, người dùng chỉ mất lần đầu xác thực với căn cước công dân gắn chip và khuôn mặt. Các giao dịch chuyển khoản sau đó có thể thực hiện rất dễ dàng.
Theo thống kê của NHNN, đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. 40 nhà băng đã triển khai mở tài khoản bằng định danh điện tử (eKYC) với gần 35 triệu tài khoản thanh toán.
Đến nay, ghi nhận của Tri thức - Znews cho thấy nhiều ngân hàng và ví điện tử đã bắt đầu gửi thông báo tới khách hàng về việc đăng ký thông tin sinh trắc học. Những thông báo được lặp lại qua tin nhắn điện thoại (SMS) và ứng dụng trực tuyến.
Đại diện nhiều nhà băng cho biết sẽ ưu tiên gửi thông báo trực tiếp tới khách hàng, đặc biệt với nhóm khách hàng thường xuyên có phát sinh giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc các chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).