Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Câu Lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) vừa tổ chức hội thảo "Ngành hàng tiêu dùng nhanh và phân phối: Xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) và chiến lược kêu gọi đầu tư bền vững cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam".
Sẽ sôi động các thương vụ mua bán sáp nhập về y tế, giáo dục
Luật sư Đào Tiến Phong, Công ty tư vấn InvestPush cho biết, hiện nay công ty đang tư vấn cho khá nhiều quỹ, nhà đầu tư từ Singapore, Đài Loan, Mỹ, Trung Quốc, có dòng tiền rất lớn nhưng chưa tìm ra sản phẩm tốt để mua.
Nếu DN nào có kế hoạch gọi vốn giai đoạn này nên mạnh dạn tìm hiểu vì nhiều quỹ đầu tư muốn mua và hỗ trợ DN Việt Nam có thể IPO tại Mỹ.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Nam Sài Gòn nhận định, sắp tới tại Việt Nam sẽ sôi động các thương vụ mua bán sáp nhập về y tế, giáo dục.
Song song đó, ngành hàng tiêu dùng chỉ 8%-9% thị phần M&A qua số liệu 2022-2033 so với bất động sản, tài chính nhưng là lĩnh vực quan trọng trong tương lai.
Trong khi đó, bà Huỳnh Thanh Bình Minh, Giám đốc quỹ đầu tư TAEL Partners cho biết, thường các DN khi đầu tư vào Asean sẽ nhìn vào Indonesia và Việt Nam là hai thị trường có dân số đông, dân số trẻ.
“Hiện nay nhiều nhà đầu tư chia sẻ với chúng tôi thay vì chọn khu công nghệ cao TP.HCM nhưng khó khăn về đất đai chuyển sang Malaysia, Thái Lan. Hay về thiết kế xe ô tô, Việt Nam chưa bằng Thái Lan nên các nhà đầu tư nước ngoài chọn Thái Lan là trung tâm sản xuất cho thị trường Đông Nam Á.
Vì vậy, chúng ta cần nhìn sang các nước bởi dòng vốn vào Asean là như nhau. Vì sao họ chọn Việt Nam thì tiếp tục làm tốt thế mạnh đó"-bà Minh chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều ngành nghề của Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư. Riêng DN sản xuất muốn hấp dẫn hơn cần xem lại ngành hàng, hệ sinh thái, chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu...
“DN sản xuất nào có thương hiệu, làm tốt kênh phân phối sẽ được nhà đầu tư trả giá rất cao”-bà Minh nói.
Để doanh nghiệp bán hẳn đi là vấn đề rất lo
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, trong số DN Việt M&A để tìm kiếm nhà đầu tư mới chung tay phát triển bền vững, nâng cao vị thế cạnh tranh cũng có DN muốn bán đứt.
|
|
M&A để tăng cường năng lực cho DN tôi rất hoan nghênh nhưng để DN bán hẳn đi, nhường sân chơi cho DN nước ngoài là vấn đề rất lo |
Điều này dẫn đến hệ quả nội lực kinh tế Việt Nam yếu đi, kể cả một số ngành hàng có lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là trong nước dần dần rơi vào bên ngoài, chi phối thị trường. Đây là điều tôi rất lo lắng.
M&A để tăng cường năng lực cho DN tôi rất hoan nghênh nhưng để DN bán hẳn đi, nhường sân chơi cho DN nước ngoài là vấn đề rất lo. Ngoài ra, còn gây tâm lý tới các DN khác bởi họ cũng lo ngại liệu mình có vượt qua không.
Tôi mong chính sách của nhà nước tới đây làm sao hỗ trợ cho DN đang nghĩ tới việc bán mình chỉ bán một phần để giúp họ vượt qua khó khăn, có vị thế tốt hơn chứ không phải bán hoàn toàn.
Riêng DN nhỏ và vừa, nhiều năm nay tôi kiên trì đề nghị nhà nước có chính sách về bảo đảm quyền tài sản cho DN tư nhân nói chung kể cả DN nhỏ và vừa.
Vì vậy, quyền bảo đảm tài sản cho khu vực tư nhân vô cùng quan trọng, kể cả tài sản trí tuệ.
“Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp có ý tưởng hay về công nghệ nhưng phải sang Singapore đầu tư chứ không làm được ở Việt Nam do quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam không được đảm bảo”, chuyên gia Lan nói.
Theo chuyên gia Lan, không ở nước nào DN lớn lên chỉ cần tài sản riêng có của mình mà phải huy động tài sản từ các nơi khác. Các DN trên thế giới cũng phải đi vay, ngân hàng, quỹ đầu tư đóng góp… mới lớn được.
DN tư nhân, DN vừa và nhỏ Việt Nam cứ nhỏ mãi là do không tiếp cận được với các nguồn lực cần thiết như vốn, đất đai, đào tạo nhân lực… Ngoài ra, khả năng cạnh tranh bình đẳng của DN nhỏ và vừa rất khó khăn.
“Nếu khắc phục được những điều này DN vừa và nhỏ mới có cơ hội phát triển vững chắc. Tôi tin lực lượng DN trẻ có cách nhìn khác, có khả năng kết nối tốt hơn nhưng muốn thành công vẫn phải cải thiện môi trường kinh doanh”-chuyên gia Lan nhấn mạnh.