Phát hiện tội phạm chiếm đoạt tiền nhưng không báo được tổng đài
Thời gian vừa qua, Bộ Công an và các cơ quan chức năng cũng như các ngân hàng đã phát đi nhiều cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm công nghệ cao. Ông Nguyễn Minh Chung (địa chỉ tổ 6 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội; hiện đang ở huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) đã rất cảnh giác, song vừa qua ông vẫn bị loại hình tội phạm này chiếm đoạt mất số tiền gần 5 tỷ đồng.
Phản ánh tới Báo Công Thương, ông Nguyễn Minh Chung cho rằng, có một phần lỗi của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam.
Theo phản ánh, đầu năm 2022, ông Nguyễn Minh Chung có mở tài khoản số 105C034882 tại Công ty Chứng khoán TCBS và giao dịch từ đó đến thời điểm bị tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tài sản.
|
|
Phát hiện tài khoản chứng khoán TCBS bị bán trộm, rồi chuyển tiền sang tài khoản Techcombank và chiếm đoạt, song khách hàng Nguyễn Minh Chung không thể làm cách nào để ngăn chặn (Ảnh minh hoạ) |
“Đến hết ngày 19/3, tổng tài sản của tôi tại TCBS là 12,95 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và tiền bán chứng khoán chờ về là 926,9 triệu đồng; còn lại là chứng khoán. Đến hết ngày 19/3, trong tổng số tài sản, tôi có vay của công ty chứng khoán là 4,98 tỷ đồng”, ông Nguyễn Minh Chung cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Chung, đến khoảng 9 giờ ngày 20/3/2024 (chưa hết phiên ATO), ông Chung mở máy tính ra và phát hiện chứng khoán trong tài khoản của ông đã bị bán và treo bán hết.
“Ngay khi phát hiện, tôi đã liên hệ với tổng đài hỗ trợ khách hàng của công ty chứng khoán và Ngân hàng Techcombank nhưng đều không liên hệ được. Nếu có thì đều là “hiện nay tất cả các điện thoại viên đều bận không liên lạc được”, bắt buộc tôi phải ra Ngân hàng Techcombank gần nhất là Phòng giao dịch An Khánh (huyện Hoài Đức) để nhờ giúp đỡ phong toả tài khoản, nhưng cũng phải mất hơn 10 phút sau mới có thể ngăn chặn, xử lý”, ông Nguyễn Minh Chung chia sẻ.
Vẫn theo ông Chung, sau khi phong tỏa tài khoản ngân hàng, ông Chung mới biết tài khoản chứng khoán đã bị bán hết và ứng tiền chuyển qua tài khoản Techcombank của ông Chung là hơn 9 tỷ đồng. Sau đó, chuyển đến tài khoản DANG THI HUONG tại Ngân hàng Eximbank số tiền gần 5 tỷ đồng.
Ông Chung cho biết có một điều rất lạ là hạn mức giao dịch tài khoản trước đó của ông chỉ là 500 triệu đồng/ngày, nhưng từ ngày 18/3/2024 ngân hàng không thông báo và cũng không hỏi ý kiến ông, đã tự ý nâng hạn mức tài khoản của ông lên 5 tỷ đồng/ngày.
Ngoài ra, ông còn nợ công ty chứng khoán 4,98 tỷ đồng nhưng tội phạm công nghệ cao vẫn có thể bán gần hết cổ phiếu, chỉ giữ lại 2,69 tỷ đồng làm tài sản bảo đảm.
Ông Chung đặt câu hỏi: Tại sao tội phạm công nghệ cao lại có thể làm được điều này? Trong khi đó ông không hề liên hệ với công ty chứng khoán hay ngân hàng để nâng hạn mức, thay đổi các thông tin và bán cổ phiếu?
Thông tin tài khoản bị thay đổi
Trong các ngày 20, 21, 22/3/2024 và ngày 1/4/2024, ông Nguyễn Minh Chung đã có 4 buổi làm việc với diện Công ty TCBS và Ngân hàng Techcombank để yêu cầu làm rõ và đề nghị bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Trả lời ông Nguyễn Minh Chung tại Văn bản số 060804/24/CV-TCBS, Công ty TCBS vắn tắt lại thông tin cập nhật được từ ông Nguyễn Minh Chung. Theo đó, trong ngày 19/3/2024, ông Chung có nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ một người xưng là công an, yêu cầu định danh cá nhân.
Sau đó, ông Chung nhờ kế toán cây xăng (nơi ông Chung làm việc) giúp các bước tải app “Dichvucong”.apk và đã tải về điện thoại cá nhân, đồng thời thực hiện các bước theo hướng dẫn.
“Đến ngày 20/3/2024, tôi không thể đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của tôi. Sau đó, khoảng hơn 9 giờ sau phiên ATO, tôi lên phòng làm việc và vào tài khoản chứng khoán thì phát hiện cổ phiếu đã bị bán hết. Tôi khẳng định tôi không phải là người giao dịch”, Công ty TCBS dẫn ý kiến của ông Chung.
Qua rà soát, Công ty TCBS cho biết, 18 giờ 05 ngày 19/3 khách hàng đăng nhập trên thiết bị V2310 bằng hình thức nhập mật khẩu. Ít phút sau, khách hàng thực hiện huỷ phương thức xác thực iOTP đã đăng ký trên thiết bị V2154, từ thiết bị V2310.
Khoảng 18 giờ 09 phút cùng ngày, hệ thống TCBS gửi SMS mã xác thực huỷ phương thức xác thực iOTP đến số điện thoại đã đăng ký của ông Chung. Cùng thời điểm, khách hàng đăng ký phương thức xác thực iOTP trên thiết bị V2310.
“Sau khi chuyển đổi thiết bị đăng ký phương thức xác thực iOTP, hệ thống TCBS thể hiện các giao dịch bán cổ phiếu, ứng tiền, chuyển tiền ra trong ngày 20/3/2024 trên tài khoản của ông Chung là các giao dịch hợp lệ, thực hiện trên tài khoản của khách hàng và tiền về tài khoản hưởng thụ của khách hàng”, Công ty TCBS thông báo.
Công ty TCBS cho rằng, sự vụ có dấu hiệu tội phạm hình sự công nghệ cao. Thủ đoạn của đối tượng chiếm đoạt quyền truy cập, điều khiển điện thoại, đánh cắp các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, chứng khoán, sao chép các thao tác truy cập vào các tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, sao chép mật khẩu, huỷ và đăng ký lại phương thức xác thực iOTP của tài khoản của ông Chung nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
“Đây là thủ đoạn nguy hiểm đã được Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng và các ngân hàng, công ty chứng khoán, trong đó có Techcombank và TCBS liên tục cảnh báo đến khách hàng”, Công ty TCBS đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Chung phản ánh, điện thoại của ông không nhận được bất cứ tin nhắn thay đổi thông tin nào từ Công ty TCBS. Đồng thời, ông Chung cũng khẳng định không liên hệ với Công ty TCBS để thay đổi các thông tin.
“Qua kiểm tra lịch sử tin nhắn, cuộc gọi trên điện thoại, tôi không phát sinh bất cứ tin nhắn hay cuộc gọi nào. Tuy nhiên, khi truy cập vào ứng dụng quản lý cuộc gọi, tin nhắn của nhà mạng, tôi thấy phát sinh nhiều cuộc gọi, tin nhắn mà tôi không hề biết”, ông Nguyễn Minh Chung khẳng định.
Từ đó, ông Chung cho rằng tội phạm công nghệ cao bằng cách nào đó đã qua mặt được hệ thống và nhân viên của Ngân hàng Techcombank, Công ty TCBS để chiếm đoạt tài tiền trong tài khoản của ông.
Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP. Hà Nội xác minh, làm rõ.