GIÁ TRỊ CỔ PHIẾU CỦA "CHỦ TỊCH CÔNG TY IPO TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN" CHỈ HƠN 6 TỶ ĐỒNG
Nhiều năm trở lại đây, trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện các quảng cáo về khóa học đầu tư, dạy làm giàu của ông Nguyễn Thành Tiến.
Trên trang cá nhân "Nguyễn Thành Tiến", website nguyenthanhtien.net, trituedautu.com, nikedu.vn (Công ty TNHH Trường Đào tạo kinh doanh và Đầu tư thực tế NIK), ông Tiến tự giới thiệu là "chuyên gia bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam".
Ông còn tự giới thiệu là Chủ tịch công ty IPO trên sàn chứng khoán, sở hữu khách sạn, khu du lịch, đảo tư nhân, tòa nhà cho thuê, dự án 1/500…; sáng lập tổ chức giáo dục NIK từ 2012; đào tạo hơn 250.000 học viên từ 2012 về đầu tư và doanh nghiệp; hơn 10 năm đào tạo cống hiến cộng đồng; hơn 1,2 triệu người theo dõi trên các kênh gồm YouTube, Tiktok, Facebook, Email.
Các nội dung ông Nguyễn Thành Tiến đã hướng dẫn cũng được giới thiệu gồm: chiến lược xây dựng doanh nghiệp và đầu tư tạo lợi nhuận triệu đô; tư duy, kỹ năng, công cụ kinh doanh và đầu tư để quản trị tốt rủi ro và tối đa lợi nhuận; bí quyết sở hữu Công ty IPO trên sàn chứng khoán; hướng dẫn sở hữu đảo tư nhân và lập các dự án bất động sản 1/500 quy mô từ 3ha-89ha.
Đặc biệt, các khóa học được ông Tiến rao bán có tên "Chiến lược đầu tư bất động sản", "Khóa học siêu sao môi giới bất động sản"; Marketing 5.0; "Chiến lược đầu tư bất động sản"; "Bí quyết huy động vốn hiệu quả"… dù chỉ kéo dài vài ngày nhưng có giá từ 9,9 triệu đến hàng chục triệu đồng. Thậm chí, khoá học "Combo bất động sản và doanh nghiệp" có mức giá lên đến 350 triệu đồng; "Combo chủ doanh nghiệp" là 220 triệu đồng; khoá học chiến lược Đầu tư Bất động sản có giá 155 triệu đồng...
Theo giới thiệu, ông Nguyễn Thành Tiến sinh năm 1986, khởi điểm là một kỹ sư chuyên ngành xây dựng. "Xuất phát điểm cũng như bao người, trải qua hơn 10 việc kinh doanh khác nhau và cảm thấy có duyên khi đầu tư, anh đã gặt hái thành quả với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trở thành một doanh nhân đầu tư thành đạt.
|
|
Thông tin giới thiệu ông Nguyễn Thành Tiến trên trang web nikedu.vn |
Năm 2007, ông bắt đầu nghiêm túc với đầu tư và coi đây là công việc chính, ông thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Công nghệ Văn Lang, hiện tại ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp cũng đã niêm yết trên sàn HNX với mã VLA.
Năm 2012, sáng lập tổ chức giáo dục NIK. Đào tạo hơn 150.000 học viên về đầu tư và doanh nghiệp. Đồng thời là tác giả sách "5 bước để trở thành đa triệu phú"; sở hữu đảo tư nhân ngoài biển, khách sạn, khu du lịch, chủ đầu tư dự án bất động sản quy mô 3ha-89ha", trích thông tin trên website nikedu.vn.
Ông Nguyễn Thành Tiến được quảng cáo là Chủ tịch Công ty IPO trên sàn chứng khoán. "Công ty IPO trên sàn chứng khoán" mà ông hay nhắc đến là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (mã VLA). Tại doanh nghiệp này, ông Nguyễn Thành Tiến được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT VLA vào ngày 20/7/2020.
|
|
Trên trang Nikedu.vn, ông Tiến được giới thiệu là người thành lập Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang, hiện tại ông đang giữ chức Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, doanh nghiệp này được thành lập theo quyết định số 1338/QĐ-TCNS ngày 15/11/2007 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam |
Trên website nikedu.vn, ông Nguyễn Thành Tiến tự nhận là người thành lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (mã VLA). Tuy nhiên, hồ sơ doanh nghiệp của VLA cho thấy, doanh nghiệp này được thành lập theo quyết định số 1338/QĐ-TCNS ngày 15/11/2007 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của VLA ghi nhận các cổ đông sáng lập là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Thiên Hoá; ông Nguyễn Thanh Tùng, ông Lê Thành Anh. Quy mô vốn điều lệ của VLA ban đầu là 3 tỷ đồng. Công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX từ ngày 4/8/2011.
|
|
Các cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (VLA) không có tên ông Nguyễn Thành Tiến |
Theo danh sách cổ đông lớn quý 1/2024 của VLA, ông Đặng Trọng Khang sở hữu 24,98%; ông Nguyễn Hữu Thuận nắm 10%, ông Nguyễn Thành Tiến nắm 9,08%, bà Nguyễn Thu Hà nắm 9,39%, các cổ đông khác nắm giữ số cổ phần còn lại.
Ngày 20/5/2024, theo báo cáo giao dịch cổ phiếu, ông Nguyễn Thành Tiến đã mua 95.200 cổ phiếu, đưa số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch lên tỷ lệ 11,47%. Với số lượng cổ phiếu đang nắm giữ là 458.170, tính theo giá cổ phiếu vào thời điểm chiều 25/6/2024 (14.500 đồng/cổ phiếu), ông Tiến đang có khoảng hơn 6,6 tỷ đồng.
DẠY ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN NHƯNG CÔNG TY ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN THUA LỖ
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính năm 2023, VLA ghi nhận tổng doanh thu là 10,98 tỷ đồng, giảm 21,49 tỷ đồng so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của VLA đạt gần 132 triệu đồng, chỉ đạt 3% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
So với kết quả thực hiện của năm 2022, doanh nghiệp bị sụt giảm tới 66% doanh thu và 96% lợi nhuận sau thuế. VLA cho rằng, doanh thu sụt giảm do sự sụt giảm đáng kể lượng học viên tham gia các khoá học, làm cho doanh thu đào tạo năm 2023 sụt giảm.
Nếu nhìn cả quá trình hoạt động của Công ty Văn Lang có thể thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này ngày càng thua lỗ. Giai đoạn 2010 - 2019, Công ty đạt doanh số từ 7 - 13 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận dao động từ 1,1 - 3,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Văn Lang hoạt động trong mảng truyền thống là xuất bản sách, in ấn, phát hành, buôn bán máy tính và thiết bị giáo dục…, với khách hàng hầu hết là những công ty con hoặc công ty liên quan của Nhà xuất bản Giáo dục.
Từ năm 2020, khi ông Nguyễn Thành Tiến làm Chủ tịch HĐQT, giấy phép kinh doanh của VLA thay đổi theo hướng cắt bớt các mảng kinh doanh truyền thống và mở thêm hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, marketing, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, đào tạo kỹ năng nói trước công chúng…
|
|
VLA gặp khó khăn trong kinh doanh bất động sản |
Đặc biệt, dù bán các khoá học dạy đầu tư bất động sản, dạy làm giàu, nhưng chính công ty này không thành công trong đầu tư bất động sản. Đơn cử, năm 2022, VLA đã thực hiện mua một khách sạn tại Quảng Ninh, giá trị 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản về VLA cũng như khai thác kinh doanh nên Ban Giám đốc đã đề xuất Hội đồng quản trị họp ra nghị quyết để thanh lý hợp đồng mua khách sạn, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.
DÀNH 60% TIỀN TỪ CỔ ĐÔNG ĐỂ QUẢNG CÁO, MARKETING
Ngày 26/2/2024, HĐQT VLA thông qua việc sử dụng chi tiết số tiền gần 20 tỷ đồng thu được từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, VLA dành 12 tỷ đồng, tương ứng 60% số tiền cho quảng cáo và marketing.
Với 8 tỷ đồng còn lại, VLA dự chi 2,2 tỷ đồng trả lương nhân viên, chi phí chuyên gia đào tạo; 2 tỷ đồng để chi trả tổ chức lớp học, hội nghị; 1,5 tỷ đồng dành cho tài liệu, in ấn, tiếp khách, giao dịch; 1,5 tỷ đồng nộp thuế và gần 780 triệu đồng cho các chi phí khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Trước đó, VLA kết thúc đợt chào bán và huy động được gần 20 tỷ đồng từ đầu tháng 12/2023. Ban đầu Công ty dự kiến sử dụng vốn tăng thêm cho mục đích thành lập chi nhánh tại TP.HCM theo đề án đã được ĐHĐCĐ thông qua hồi tháng 9/2022.
Cụ thể, VLA dự tính từ quý 4/2022 đến quý 1/2023 sẽ chi 10,8 tỷ đồng cho quảng cáo và marketing, chiếm khoảng 50% số tiền. Còn lại 3 tỷ đồng cho chi phí nhân công và 6,1 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, chi phí khác. Tuy nhiên, HĐQT đề xuất đổi phương án. Toàn bộ số tiền thay vào đó được dùng để bổ sung vốn lưu động nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
|
|
VLA dành 12 tỷ đồng, tương ứng 60% số tiền thu được từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để quảng cáo và marketing |
Giải thích về sự thay đổi này, VLA cho biết, do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch và tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế trong nước. Mặc dù Công ty đã tăng cường mở các lớp học trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội, Phú Quốc và một số tỉnh thành khác nhưng do số lượng người học giảm đáng kể khiến doanh thu năm 2023 sụt giảm, đặc biệt ở TP.HCM và các tỉnh phía nam. Diễn biến như vậy đã ảnh hưởng đến vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh trong năm 2023 của VLA cũng như khả năng thiếu vốn hoạt động trong các năm sau.
Tại kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, VLA cho biết sẽ tiếp tục mở rộng các khóa đào tạo, bao gồm chiến lược đầu tư bất động sản (CKB), khóa học NIK UNI K02, dạy con làm giàu, đánh thức năng lực vô hạn, Business Master Bootcamp, trí tuệ đầu tư 4.0, khóa học huy động vốn, trí tuệ doanh nghiệp.
Năm 2024, ngoài việc duy trì công tác đào tạo, VLA còn tập trung mạnh vào công tác đầu tư bất động sản, thị trường chứng khoán và các dịch vụ khác để tăng doanh thu. Đồng thời, tăng cường công tác dịch vụ tư vấn đầu tư bất động sản có thu phí; nghirn cứu triển khai dịch vụ tư vấn tài chính kinh doanh, môi giới bất động sản, tư vấn cấu trúc doanh nghiệp…
|
|
Thông tin quảng cáo về một lớp học dạy làm giàu từ bất động sản đầu tư 1 lợi nhuận 100 lần |
ĐHĐCĐ hồi cuối tháng 1 của VLA cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2024 với mục tiêu mang về 20 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi thực hiện năm 2023 cùng 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù vậy, chỉ tiêu này vẫn chưa bằng con số thực hiện năm 2022.
TECHCOMBANK BÁC THÔNG TIN DIỄN GIẢ DẠY LÀM GIÀU ĐỊNH GIÁ 1.200 TÀI SẢN
Trước đó, vào năm 2021, để thu hút học viên, trang trituedautu.com quảng cáo "Bạn muốn đầu tư sinh lời cao. Đầu tư vào đâu để 1 đồng lãi 100 đồng?". Nếu có thể có kênh đầu tư sinh lời như vậy thì cần gì phải kiếm tiền bằng cách đi kiếm học phí của học viên vào khóa học?
Cũng trong quảng cáo trên Facebook của diễn giả Nguyễn Thành Tiến cũng có đoạn giới thiệu ông này như sau:
"Đào tạo hơn 60.000 học viên từ 2012 về đầu tư và doanh nghiệp.
- Tác giả sách "05 Bước Để Trở Thành Đa Triệu Phú"
- Chủ tịch HĐQT công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
- Sở hữu đảo tư nhân ngoài biển
|
|
Ông Nguyễn Thành Tiến tự quảng cáo là đã định giá 1.200 tài sản cho Techcombank |
- Chủ đầu tư dự án bất động sản quy mô từ 3ha-89ha.
- Từng làm Định giá 1200 tài sản cho Techcombank, kinh doanh Quản lý cho thuê 500 phòng, Mua Nhà Sửa Bán, Đầu tư Ven đô, Đầu tư dự án, Phân phối dự án, Mua sỉ bán lẻ, Mua xây cho thuê, lập dự án ...
- Huấn luyện viên của nhiều triệu phú Đô La. Link đăng ký: http://www.trituedautu.com (Khóa học hoàn toàn miễn phí, bạn không phải trả bất kỳ chi phí nào).
Trong quảng cáo trên, chỉ có tác giả sách "05 Bước Để Trở Thành Đa Triệu Phú" là có thể kiểm chứng. Những thông tin còn lại có nhiều chỗ "lập lờ". Điển hình là việc tự quảng cáo là đã định giá 1.200 tài sản cho Techcombank. Tuy nhiên, phía ngân hàng cho rằng chỉ sử dụng định giá của các công ty có uy tín, không hợp tác với các nhân nào trong việc định giá tài sản.
5 bước trong quy trình "lùa gà" của một số khóa học làm giàu
Thời gian qua, các khóa học làm giàu nở rộ khắp nơi và được quảng bá với những hứa hẹn hết sức hấp dẫn, nhưng không ít người tham gia các khóa học này thì rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang".
Đặc điểm chung của các vị diễn giả dạy làm giàu từ bất động sản là khả năng hoạt ngôn, diễn thuyết rất linh hoạt, không thua gì các bậc thầy đa cấp. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình trạng diễn giả bất động sản hiện nay "vàng thau lẫn lộn". Do đó, cần cảnh giác với chiêu trò của một vài đối tượng "lùa gà" theo quy trình 5 bước:
Bước 1: Xây dựng hình ảnh diễn giả thật hoành tráng. Diễn giả phải là người nhà giàu, xe sang, chủ nhiều doanh nghiệp, nhiều bất động sản, nhiều giải thưởng, chụp hình với người nổi tiếng, làm từ thiện... Thậm chí còn có thể viết sách, hoặc chia sẻ về kinh nghiệm bất động sản trên một số bài dạng thông tin dịch vụ trên các báo.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị về hình ảnh thật xuất sắc sẽ đến công đoạn quảng cáo tìm khách hàng tiềm năng. Khách hàng này thường là những người làm ngành nghề khác, có tiền những chưa có kinh nghiệm về bất động sản hoặc các bạn môi giới mới vào nghề. Tuyệt nhiên những người có kinh nghiệm làm bất động sản lâu năm sẽ không tham gia khóa học bởi họ thừa trải nghiệm thực tế để hiểu kiếm tiền từ bất động sản không phải chuyện dễ dàng như quảng cáo.
Bước 3: Tổ chức sự kiện "chốt khách". Việc tổ chức sự kiện là bước cực kỳ quan trong trong chuỗi "lùa gà". Và mô hình sự kiện kiểu đa cấp thường được áp dụng rất hiệu quả. Trong một sự kiện như vậy, diễn giả thường nói thao thao bất tuyệt về những trường hợp thực tế đã diễn ra như: Tôi đã đầu tư thắng ở đâu, rồi công ty này công ty kia đã thành công ở dự án kia như thế nào… Tất nhiên, như một trận đá bóng đã xảy ra, chuyện qua rồi thì ai nói chẳng được.
Điều quan trọng nhất là trong sự kiện ngoài thành phần được mời thì phần đông là "gà nhà" để tạo hiệu ứng. Giống như tham gia vào sự kiện đa cấp, xung quanh bạn là những tín đồ đa cấp, và trong một đám đông như vậy, bạn có xu hướng sẽ theo mọi người.
Sau khi diễn giả chia sẻ về những câu chuyện thực tế đã diễn ra, những câu chuyện thành công thì đến phần chia sẻ khóa học. Bạn sẽ học được gì… Tôi đã trả giá rất nhiều để có được những bài học này… Và đặc biệt, hôm nay nếu các bạn đăng ký luôn sẽ được giảm học phí… Lúc này thì đội "gà nhà" sẽ tranh nhau đăng ký để tạo hiệu ứng cho những người khác nộp tiền, đăng ký theo.
Bước 4: Tổ chức khóa học. Kiến thức khóa học với những "diễn giả" ít trải nghiệm thực tế, chưa từng làm những doanh nghiệp bất động sản lớn chỉ là kiến thức qua sách vở. Với học phí hàng trăm triệu, diễn giả có thể làm giàu mà không mất quá nhiều công sức vì "giáo án" đã soạn sẵn, chỉ việc "lùa" hết lớp học viên này đến lớp khác.
Bước 5: Biến học viên thành cổ đông, khách hàng mua bất động sản hoặc môi giới dự án do diễn giả triển khai. Khi tham gia đầu tư chung, cạm bẫy lớn nhất là giá bất động sản đã bị nâng lên nhiều lần. "Trò"mua với giá đắt, "thầy" thì chốt lời. Câu chuyện thực tế đã diễn ra khi "trò" và "thầy" đưa nhau ra tòa vì mâu thuẫn quyền lợi.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đúc kết, những người giàu thực sự thì không có thời gian rảnh để đi dạy làm giàu. Còn những người mở khóa học làm giàu là những người làm giàu bằng cách đi "dạy người khác làm giàu". Người dạy làm giàu sẽ càng giàu nếu kỹ năng "lùa gà" tốt còn người học thì không biết có giàu lên không, nhưng trước mắt là mất một số tiền lớn để đổi lấy một mớ lý thuyết suông.