Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (tên thương mại là Dự án Takara Hòa Bình Resort) tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Hiền Lương (gọi tắt là Công ty Hiền Lương) đã huy động hàng tỷ đồng của nhiều người dưới hình thức thu phí dịch vụ tư vấn bất động sản kèm bản đăng ký mua nhà ở, người mua đã đóng hàng tỷ đồng vào tài khoản công ty được chủ đầu tư chỉ định là Công ty Cổ phần Tập đoàn thương mại và dịch vụ quốc tế O.C.D (gọi tắt là Công ty O.C.D).

leftcenterrightdel
 Dự án Takara Hòa Bình Resort huy động vốn trái phép, tỉnh Hòa Bình cần chỉ đạo xử lý quyết liệt

Ví dụ như khoản phí dịch vụ mà trường hợp của ông Đào Đức Thuận chuyển cho Công ty O.C.D là 1.666.532.494 đồng và 1.733.171.168 đồng đối với trường hợp của ông Hoàng Vũ, số tiền này đã được ông Thuận và ông Vũ đóng cho Công ty O.C.D qua chuyển khoản ngân hàng.

Theo ông Đào Đức Thuận và ông Hoàng Vũ bản chất số tiền mà 2 ông chuyển cho phía Công ty O.C.D là khoản tiền đặt cọc để mua bất động sản tại dự án nói trên, khoản này tương ứng 30% giá trị bất động sản các bên sẽ ký kết hợp đồng khi dự án đủ điều kiện bán chứ không phải khoản phí tư vấn dịch vụ về bất động sản như các bên ký kết.

Theo văn bản thỏa thuận và phụ lục mà khách hàng ký kết với Công ty O.C.D thì sau khi chủ đầu tư tức Công ty Hiền Lương xác nhận bất động sản đã được giao dịch thành công, khách hàng ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư thì khách hàng đồng ý ủy quyền cho bên Công ty O.C.D chuyển toàn bộ tiền đặt cọc và đặt cọc bổ sung tương đương là 30% giá trị bất động sản cho chủ đầu tư (Công ty Hiền Lương).

leftcenterrightdel
 Ảnh vệ tinh

Sau khi phóng viên liên hệ tìm hiểu, ngày 6/10, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 8663/VPUBND-THNV giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, và các Sở, ngành liên quan nghiên cứu phối hợp cung cấp thông tin cho Báo điện tử Xây dựng theo Luật định; Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Xây dựng Hòa Bình cũng đã khẳng định tính đến thời điểm hiện nay dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Qua ghi nhận thực địa và hình ảnh chụp vệ tinh có thể thấy, dự án mới đang san lấp, hạ tầng chưa hoàn thiện đã huy động nhiều tỷ đồng từ khách hàng

Qua đó thấy rằng, số tiền được khách hàng chuyển cho Công ty O.C.D thực chất là tiền đặt mua bất động sản hình thành trong tương lai, nhưng các bên ký kết “lòng vòng”, chuyển tiền lòng vòng để huy động vốn, bán bất động sản trá hình dưới các dạng hợp đồng giả cách. Điều này có đúng với quy định pháp luật hiện hành hay không cần được cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình làm rõ, xử lý theo quy định.

Sau khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Công ty O.C.D thì số tiền này đã được công ty sử dụng như thế nào, có chuyển về cho Công ty Hiền Lương không hay sử dụng vào mục đích khác? Cách làm như thế này có thể gây rủi ro lớn cho khách hàng nếu phía Công ty O.C.D không thực hiện đúng cam kết hoặc công ty phá sản…

Thêm một vấn đề cần đặt ra là việc xác định thuế đối với các khoản tiền nói trên được tính như thế nào, tính thuế trên phương diện tiền mua bất động sản hay tiền tư vấn dịch vụ; thuế thu nhập tính cho công ty nào; liệu đây có là cách làm để hình thành cơ chế bán bất động sản 2 giá không? Vấn đề này cũng rất cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Mặc dù đã có văn bản của tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh phối hợp thông tin, nhưng đến nay Báo điện tử Xây dựng chưa nhận được các thông tin liên quan đến vấn đề thuế của 2 doanh nghiệp nói trên.

Về vấn đề này, Luật sư Lê Hữu Linh, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng có chia sẻ như sau: “Căn cứ văn bản của Sở Xây dựng Hòa Bình gửi Báo điện tử Xây dựng, xác định Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương chưa được huy động vốn, bán bất động sản dưới mọi hình thức.

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Hữu Linh, chuyên gia pháp lý lĩnh vực tài chính ngân hàng

Vậy, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Hiền Lương có đang thông qua pháp nhân khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn thương mại và dịch vụ quốc tế O.C.D huy động vốn trái pháp luật không?

Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu quan hệ giữa 2 doanh nghiệp này về quan hệ chủ sở hữu, thông qua Ban lãnh đạo hai doanh nghiệp này có mối liên hệ chung không? Tôi cho rằng rất có thể có mối liên hệ về sở hữu, chi phối.

Thứ hai, Công ty O.C.D độc quyền tư vấn bất động sản Dự án mà giá trị tư vấn bằng 30% giá trị bất động sản dự định mua, cho thấy sự bất thường lớn. Và giá trị tư vấn được chuyển đổi thành số tiền mua bất động sản khi dự án đủ điều kiện mua bán, rõ ràng ở đây là hình thức lách luật huy động vốn. Cơ quan chức năng cần kiểm tra dòng tiền của các khách hàng ký văn bản thỏa thuận tư vấn với Công ty O.C.D đã đi đâu sẽ tìm ra được dòng tiền chảy về đâu. Nếu dòng tiền chảy về Công ty Hiền Lương thì rõ ràng Công ty Hiền Lương đã huy động vốn thông qua Công ty O.C.D.

Như vậy, theo pháp luật dân sự thì giao dịch của người muốn mua bất động sản với Công ty O.C.D thông qua văn bản thỏa thuận tư vấn là giao dịch giả tạo, nhằm che dấu giao dịch thật với Công ty Hiền Lương là giao dịch mua bán bất động sản. Điều khoản chi tiết tại văn bản thỏa thuận tư vấn cũng cho phép chuyển đổi số tiền tư vấn thành tiền mua bất động sản khi ký hợp đồng mua bán với Công ty Hiền Lương khi dự án đủ điều kiện mở bán, đây chính là sự thừa nhận đường đi của dòng tiền và giao dịch thật giữa bên mua bất động sản với chủ đầu tư là Công ty Hiền Lương.

Tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo như sau:

“1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Như vậy, khách hàng có quyền khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch giả tạo vô hiệu và yêu cầu công nhận giao dịch mua bán bất động sản bị che giấu có hiệu lực, thậm chí tố giác hành vi sai phạm của Công ty Hiền Lương, Công ty O.C.D ra cơ quan công an để bảo vệ mình.

Luật sư Linh cũng cho rằng: “Hành vi huy động vốn trái phép của Công ty Hiền Lương có thể rất nghiêm trọng, có thể có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân nếu cả Công ty Hiền Lương và Công ty O.C.D không hoàn lại tiền cho người đã ký văn bản thỏa thuận tư vấn hoặc quá trình tư vấn đưa ra những thông tin giả dối, không trung thực về dự án để người dân tin tưởng, ký kết hợp động”.

Từ những dữ liệu và phân tích trên, một lần nữa, Báo điện tử Xây dựng kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình chỉ đạo quyết liệt, làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của chủ đầu tư, các bên liên quan tại dự án này, xử lý nghiêm theo quy định.

Nguồn phapluat
Link bài gốc

https://phapluat.baoxaydung.com.vn/hoa-binh-can-kiem-tra-dong-tien-va-thue-tai-du-an-takara-hoa-binh-resort-7186.html