Chiêu trò lừa đảo bằng huy động vốn của Bất động sản Nhật Nam
Trả lợi nhuận cao trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 70% hay 80% một năm, nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Giữa bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn trong khoảng 3 năm trở lại đây, mức lãi suất này là “không tưởng”.
Cứ đầu tư 4 tỷ sẽ có 1 sổ cổ đông chiến lược, mỗi tháng ngoài lợi nhuận 46%/năm, nhà đầu tư được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng.
Để có được 3 cuốn sổ này, nhà đầu tư đã phải bỏ ra 12 tỷ đồng. Tuy nhiên Công ty Bất động sản Nhật Nam chỉ trả cho nhà đầu tư 10 tháng và dừng 1 năm nay.
Ngoài tặng sổ cổ đông, công ty Bất động sản Nhật Nam còn hào phóng tặng cổ phiếu nội bộ cho các nhà đầu tư. Gói 100 triệu đồng được tặng 125 cổ phiếu. Gói 5 tỷ đồng tặng 10.000 cổ phiếu. Với giá 1 cổ phiếu do Nhật Nam tự quy định là 16.000đồng và cam kết 10 tháng sau công ty sẽ mua lại với giá 20.000 đồng, thậm chí là 27.000 đồng/cổ phiếu.
“Sau thời gian 1 năm, công ty cam kết mua lại cổ phiếu đó với giá 27.000 đồng”, môi giới của công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam nói.
“Họ đưa ra họ hứa họ mua nhưng họ không mua”, nhà đầu tư của công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam cho biết.
Công ty Bất động sản Nhật Nam cũng không tiếc tiền để chi cho việc phát triển hệ thống môi giới theo mô hình kim tự tháp tương tự phương thức đa cấp. Cứ 5 môi giới phát triển ra được 10 môi giới, mời chào được doanh số trên 10 tỷ đồng thì hưởng 7% hoa hồng.
|
|
Trang website Nhật Nam còn quảng cáo đang sở hữu chuỗi dịch vụ karaoke, dịch vụ cho thuê xe, chuỗi nhà hàng ăn và nhiều dự án bất động sản |
Ngoài ra, trong các buổi hội thảo, hội nghị huy động vốn đông người, Công ty Bất động sản Nhật Nam đã liên tục giới thiệu, quảng cáo về sự xuất hiện của dàn cố vấn được cho là cán bộ có chức vụ đã nghỉ hưu, để lấy niềm tin của các nhà đầu tư.
“Với trách nhiệm của tôi hiện nay là cố vấn pháp luật của công ty, tôi khẳng định đây là một kênh đầu tư an toàn, uy tín và hiệu quả nhất. Năm 2021, công ty Nhật Nam top 10 trong những doanh nghiệp có uy tín của Việt Nam”, cố vấn của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam nói.
Không rõ những danh hiệu top 10 công ty uy tín ở Việt Nam như quảng cáo ở trên là do ai trao tặng, khi theo điều tra của phóng viên VTV Money, 3 năm trở lại đây, Nhật Nam ghi nhận doanh thu thấp và không đóng thuế. Thậm chí mới đây, doanh nghiệp này vẫn còn nợ 66 triệu đồng tiền thuế chưa đóng, nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh và bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phong tỏa hóa đơn.
Trang website Nhật Nam còn quảng cáo đang sở hữu chuỗi dịch vụ karaoke, dịch vụ cho thuê xe, chuỗi nhà hàng ăn và nhiều dự án bất động sản. Tuy nhiên dự án Elite Tower ở 55 Vạn Phúc, Hà Đông hiện nay vẫn đắp chiếu và đang thuộc sở hữu của ngân hàng. Còn dự án khu đô thị mới của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang do Công ty cổ phần Ngôi nhà Hoàn Hảo đứng đầu liên danh, Công ty Bất động sản Nhật Nam chỉ làm thành viên. Chưa kể dự án này mới đang giải phóng mặt bằng, dự kiến 7 năm nữa mới hoàn thành.
Nhận diện một số thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép
Liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam, hàng loạt địa phương như: UBND tỉnh Hoà Bình, UBND TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai)… cũng phát đi cảnh báo.
Theo cảnh báo của UBND tỉnh Hoà Bình, Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).
Công ty có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư như: Yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế.
|
|
Đầu tư 4 tỷ, nhà đầu tư sẽ có 1 sổ cổ đông chiến lược |
Hiện công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 60-84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.
Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che dấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật Quản lý thuế.
Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau)…
Liên quan đến hoạt động kêu gọi đầu tư của công ty BĐS Nhật Nam, hồi tháng 8/2022, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) từng ra văn bản thông báo trong đó có nêu Công ty BĐS Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự…
Những thủ đoạn lừa đảo thường được Bất động sản Nhật Nam sử dụng
Nghiên cứu các vụ án, vụ việc này cho thấy điểm chung là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn kêu gọi đầu tư tham gia sau đó chiếm đoạt tiền.
Thứ nhất, các đối tượng thường vẽ ra các dự án đầu tư lớn, gắn với các phương thức kinh doanh, đầu tư có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng khắp các lĩnh vực, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Sau đó mở bán gói đầu tư hứa hẹn lãi suất, lợi nhuận siêu cao nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.
|
|
Lùm xùm Công ty Nhật Nam "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" với nhiều nhà đầu tư - Ảnh: internet |
Thứ hai, các đối tượng thường cam kết lợi nhuận không tưởng từ 20-30 %, có những trường hợp lên đến 50 -70% năm hoặc vẽ ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp… Đây là những chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu ký kết hợp đồng. Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.
Thứ ba, để tạo được lòng tin, các đối tượng thường đăng ký các doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, mời những người nổi tiếng, có ảnh hưởng đối với giới trẻ về khởi nghiệp, đầu tư để làm diễn giả trong các hội nghị khách hàng, hội nghị hoa hồng, sự kiện lớn của công ty; đồng thời sử dụng các trang mạng, báo điện tử quảng cáo mạnh mẽ, dùng tiền để tài trợ, mua giải thưởng,…
Thứ tư, để qua mắt sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các đối tượng thường lợi dụng sự lỏng lẻo của pháp luật, sử dụng các hình thức ký hợp đồng uỷ thác đầu tư hay hợp đồng hợp tác đầu tư… nhằm gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.