Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) khuyến cáo: Thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã triệt phá một số hệ thống, đường dây huy động tài chính đa cấp qua môi trường mạng, bắt một số đối tượng cầm đầu. Tuy nhiên, hoạt động này được đánh giá là “thiên biến vạn hóa” với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, biến tướng liên tục nên người dân cần hết sức nâng cao cảnh giác. Hiện nay, ngoài các hoạt động môi giới, dụ dỗ lôi kéo người dân vào các mô hình sàn ảo, thì còn xuất hiện một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) thực hiện huy động vốn với lãi suất cao. Điển hình như cách huy động vốn của một số DN bất động sản, DN trong các lĩnh vực giải trí, truyền thông có lãi suất cao... bất thường.
2 năm trước, bà Nguyễn Thị L., sinh sống tại thị trấn Hậu Lộc được người thân giới thiệu tham gia góp vốn vào 1 DN trong lĩnh vực truyền thông, mạng xã hội. Theo tư vấn của một người họ hàng, khi tham gia 1 gói đầu tư nhỏ chỉ 5 triệu đồng, chỉ 1 năm sau, bà sẽ thu lại toàn bộ số lãi. Tin tưởng, bà L. đã đầu tư số tiền 10 triệu đồng vào hệ thống. Tuy nhiên, 2 năm đã trôi qua, không chỉ không nhận được khoản lãi nào, mà số tiền gốc của bà L. cũng đã bị mất trắng.
Thời gian gần đây, người họ hàng cũ tiếp tục tham gia làm nhà đầu tư của Công ty CP Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát và tiếp tục “mời” bà L. tham gia mô hình này để “gỡ” thiệt hại lần trước. Theo đó, với các gói đầu tư đa dạng từ 5 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ nhận lãi suất từ 500.000 đồng đến 500 triệu đồng/tháng, tương đương lãi suất lên tới trên dưới 100%/năm. Ngoài ra, bà L. còn được hứa hẹn các khoản thưởng là xe máy, vàng nếu tham gia các gói đầu tư cao. Bà L. cho biết, theo lời giới thiệu, Công ty CP Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát kinh doanh các lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện, chuỗi cafe/nhà hàng nghệ sĩ, hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho DN, kênh truyền hình và báo điện tử, bất động sản... Đồng thời, công ty này đã xây dựng được hệ thống các tòa nhà, văn phòng giao dịch trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước nhằm thuận tiện giao dịch hơn cho nhà đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, có một số DN cũng đang đưa ra các gói hợp tác góp vốn đầu tư, với mức lãi suất lên tới 5 - 6%/tháng, tương đương 60 - 70%/năm, cao hơn gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Không ít người dân tại Thanh Hóa cũng đã tham gia vào các mô hình này.
Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc với hình thức, thủ đoạn đầu tư, dụ dỗ tương tự. Theo kết quả điều tra từ các vụ việc, các DN này không dùng vốn của nhà đầu tư để kinh doanh các lĩnh vực như cam kết, mà lấy tiền của người sau trả cho người trước. Thực chất đây là hoạt động đa cấp biến tướng theo “mô hình Ponzi”. Lợi nhuận trả cho nhà đầu tư không phát sinh từ lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi nào việc huy động vốn có dấu hiệu kém, mô hình này sẽ bị “sập”.
Các luật sư, chuyên gia cho rằng huy động vốn bằng cách hợp tác kinh doanh hay đầu tư góp vốn hứa hẹn lãi suất cao như trên thực chất là một phương thức đầu tư tài chính, ẩn chứa nhiều rủi ro. Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội trong những năm gần đây đã làm sự tương tác và gắn kết trong xã hội trở nên dễ dàng. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo gia tăng mạnh. Các đối tượng thường khai thác vào 2 điểm yếu chính của các nạn nhân, đó là lòng tham và sự thiếu hiểu biết.
Điều đáng lo ngại là mặc dù cơ quan chức năng, báo chí liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu thức nhưng số lượng người tham gia các loại hình này vẫn không ngừng gia tăng, quy mô các vụ việc bị phát giác vụ sau cao hơn rất nhiều lần các vụ việc trước. Hệ quả để lại là tiền đầu tư của người dân bị chiếm đoạt, tình hình trật tự, an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn. Hoạt động huy động vốn thông qua các kênh được pháp luật thừa nhận, cho phép hoạt động bị ảnh hưởng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo: Người dân cần nâng cao cảnh giác, không ham lãi suất cao vì chẳng có một khoản đầu tư nào có thể sinh lời một cách bất thường. Nhà đầu tư cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của DN trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, khi đầu tư góp vốn kinh doanh, cần nắm được hoạt động kinh doanh thực tế. Nội dung hợp đồng góp vốn cần ghi rõ ràng, tránh ghi chung chung, bởi khi bị lừa đảo, các cơ quan chức năng rất khó có cơ sở xử lý các đối tượng.
Theo quy định tại Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
“Các nhà đầu tư, người dân tham gia hợp tác kinh doanh phải tỉnh táo, rủi ro đi liền với lợi nhuận. Nhà đầu tư cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của DN trước khi đầu tư. Lãi suất cao, lên đến hàng trăm phần trăm, thì cũng có khả năng mất trắng. Nhà đầu tư phải xem xét về nguy cơ, khả năng trả nợ của DN. Nếu không đủ tiền để trả lãi, không cân đối được dòng tiền, DN có thể bị sập bất cứ lúc nào” - Giám đốc Công ty Luật ANVI - luật sư Trương Thanh Đức.