Bộ Công Thương đánh giá, với khoảng cách địa lý gần, tương đồng về văn hóa tiêu dùng… Philippines là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thị trường có quy mô dân số lớn, tính đến năm 2023 đạt khoảng 113 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 7 châu Á, thứ hai trong Asean. GDP hàng năm của Philippines đạt khoảng 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD.

LIÊN TỤC XUẤT SIÊU

Thị trường Philippines không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ lớn nhưng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu. 

leftcenterrightdel
 Gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Các quốc gia xuất khẩu lớn vào thị trường Philippines, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Mỹ. Việt Nam xếp cuối trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.

Hiện có tổng số khoảng 35 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines, như: nông sản, thủy hải sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị... Trong đó, mặt nông sản, đặc biệt gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines.

Trong những năm qua, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Philippines. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines năm 2023 đạt 7,8 tỷ USD, tương đương với năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 5,15 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 2,65 tỷ USD, giảm 2% so với năm 2022. Xuất siêu vào thị trường Philippines năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 1,75 tỷ USD; clanke và xi măng đạt 358,3 triệu USD; các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 352 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 221 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 193,7 triệu USD; thủy sản đạt 133,8 triệu USD; cà phê đạt 152,8 triệu USD; hàng dệt may đạt 125,9 triệu USD; sắt thép các loại đạt 111,4 triệu USD; điện thoại các loại 153,2 triệu USD.

Đáng chú ý, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Philippines. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022, lượng gạo xuất khẩu đạt 3,1 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2022 (trên 3,2 triệu tấn). Mặc dù vậy, gạo của Việt Nam vẫn chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

TIẾP TỤC QUẢNG BÁ, THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU

Trong thời gian tới, Việt Nam xác định Philippines sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Vì vậy theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, mục tiêu và định hướng thời gian tới:

leftcenterrightdel
 Gạo Việt Nam phù hợp thị hiếu, đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Thứ nhất: Tiếp tục củng cố và giữ vững vị thế số 1 về xuất khẩu gạo Việt Nam tại thị trường Philippines.

Bởi theo ông Thành, Philippines là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên, trong nhiều năm qua sản xuất trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Hàng năm, tùy thuộc vào các điều kiện canh tác, sản xuất nội địa của Philippines đạt khoảng từ 19 đến 20 triệu tấn thóc, tương đương khoảng trên 12,5 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm khoảng trên 14,5 triệu tấn và dự trữ tối thiểu đảm bảo lương thực đủ cho 30 ngày khoảng là trên 01 triệu tấn, tức là tổng nhu cầu hàng năm khoảng trên 15,5 triệu tấn gạo. Vì vậy, hàng năm Philippines phải nhập từ trên 2,5 triệu đến 3,5 triệu tấn gạo.

Những năm trước, Philippines mua gạo theo phương thức đàm phán liên chính phủ (GTG), Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, là hai đối tác xuất khẩu gạo lớn vào Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi luật cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và hạn chế nhập khẩu gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.

Hiện nay, Philippines là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi đến năm 2022 lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường Philippines chiếm gần 45% về lượng và 43% về kim ngạch trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Còn đối với Philippines, ông Thành nhận định gạo của Việt Nam không chỉ là mặt hàng nhập khẩu thông thường mà còn là mặt hàng quan trọng nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay gạo nhập khẩu từ Việt Nam đã chiếm tới hơn 80% (năm 2022 là trên 83%) tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines.

Tại thị trường Philippines, gạo của Việt Nam có lợi thế do phẩm cấp, chất lượng tốt, giá phải chăng nên có tính cạnh tranh, phù hợp thị hiếu và có thể đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp dân cư đông đảo có thu nhập trung bình và thấp; nguồn cung ổn định, khoảng cách địa lý, chi phí và thuận tiện trong chuyên chở, có niềm tin và mối quan hệ bạn hàng lâu năm.

Thứ hai: Mở rộng cơ cấu mặt hàng và gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu. Với thị trường có nhiều tiềm năng như Philippines nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn chưa cân xứng. Số lượng các mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu còn hạn chế, chỉ khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng, trong khi còn rất nhiều các mặt hàng, ngành hàng của Việt Nam có tiềm năng khai thác tại thị trường Philippines.

Ngoài ra, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines tỉ trọng mặt hàng nông sản lớn trong khi các ngành hàng khác manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm ít đa dạng. Chưa có sản phẩm, mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippines mặc dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn.

Vì vậy, mục tiêu mở rộng cơ cấu mặt hàng, gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Philippines.

Thứ ba: Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp trong nước về tiềm năng thị trường Philippines.

“Philippines là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên, trong thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm tới thị trường này, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tiềm năng thị trường Philippines, qua đó thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Philippines”, ông Thành nhấn mạnh.

Nguồn vneconomy
Link bài gốc

https://vneconomy.vn/viet-nam-se-giu-vung-vi-the-so-1-ve-xuat-khau-gao-tai-thi-truong-philippines.htm