"Hô biến" TPBVSK Una Mộc Đơn thành thuốc chữa bệnh

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng có dấu hiệu làm ăn chụp giật, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe.

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng sử dụng thường xuyên.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở giai đoạn cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng thực phẩm chức năng với kỳ vọng rằng các loại thực phẩm chức năng này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng thực phẩm chức năng, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm chức năng do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Điều đáng lo ngại, do nhiều thực phẩm chức năng đang quảng cáo quá mức với công dụng như thần dược khiến người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm Uma Mộc Đơn được quảng cáo "đánh bay khối u chỉ sau 1 tháng", tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật.

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Una Mộc Đơn đang quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật, không đúng công dụng sản phẩm đã được cấp phép và gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh.

Sản phẩm Una Mộc Đơn do Công ty Cổ phần Bigfa sản xuất và hiện đang được phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại CCB Việt Nam (địa chỉ tại tầng 4 tòa nhà HUD3 Tower số 121-123 Tô Hiệu, Phường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội). Công ty TNHH Thương mại CCB Việt Nam do ông Lê Duy Hùng làm đại diện pháp luật.

Trên nhiều website và mạng xã hội, sản phẩm Una Mộc Đơn được quảng cáo có các công dụng như "đánh bay khối u chỉ trong 1 tháng", "tiêu u nhanh chóng', "đánh trực tiếp vào chân u", "ngăn chặn hoàn toàn u tái phát", "triệt tiêu tận gốc chân u". Những quảng cáo kể trên dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm giống với các loại thuốc có khả năng điều trị bệnh ung thư. Trong khi đó, trên thực tế, theo cấp phép của Bộ Y tế, sản phẩm này chỉ là dòng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh không có tác dụng điều trị hay thay thế thuốc chữa bệnh.

leftcenterrightdel
Dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng Una Mộc Đơn lại được "thần thánh" hóa công dụng như thuốc chữa bệnh. 

Lợi dụng hình ảnh y bác sĩ để quảng cáo

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. 

Tuy nhiên, thời gian qua, sản phẩm Una Mộc Đơn vẫn được một số cá nhân, tổ chức quảng cáo đi kèm hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế. Hình ảnh bác sĩ và nhân viên y tế được quảng cáo đi kèm với những nhận xét về ưu điểm của sản phẩm Una Mộc Đơn cũng như những lời khuyên dành cho bệnh nhân nên dùng sản phẩm Una Mộc Đơn nhưng chưa rõ tính thật-giả của thông tin chia sẻ này có phải do các bác sĩ, nhân 

leftcenterrightdel
 Một website sử dụng hình ảnh bác sĩ, chuyên gia y tế để đưa thông tin sai sự thật về Una Mộc Đơn.

Dấu hiệu mạo danh đài truyền hình, cơ quan báo chí

Chưa dừng lại ở đó, trên mạng xã hội còn xuất hiện những video quảng cáo về sản phẩm Una Mộc Đơn. Điều đáng nói là những video này cắt ghép logo bản tin của một số đài truyền hình (truyền hình QPVN, HTV9) để quảng cáo về công dụng của Una Mộc Đơn sai sự thật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng và vi phạm bản quyền truyền hình, giả mạo cơ quan truyền hình, báo chí để quảng cáo cho sản phẩm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cả hai đơn vị là QPVN và HTV9 không có bản tin nào quảng cáo sản phẩm Una Mộc Đơn gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh giống như thông tin trên các website vi phạm đã đăng tải.

leftcenterrightdel
Mạo danh cơ quan báo chí để quảng cáo cho sản phẩm Una Mộc Đơn

Công ty TNHH Thương mại CCB Việt Nam có chịu trách nhiệm?

Có thể thấy, dù chỉ là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (thực phẩm chức năng) nhưng sản phẩm Una Mộc Đơn đã được “thổi phồng” công dụng, chất lượng so với thực tế, dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm này với các loại thuốc chữa bệnh. Thậm chí, bằng nhiều chiêu trò quảng cáo sai sự thật, người tiêu dùng rất dễ mắc bẫy khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm này.

Trong khi đó, theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Đối với những thông tin về việc sản phẩm Una Mộc Đơn quảng cáo có dấu hiệu sai quy định pháp luật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu Công ty TNHH Thương mại CCB Việt Nam có chịu trách nhiệm? Vì sao các sản phẩm lại được quảng cáo giống với thuốc chữa bệnh dễ khiến người dùng hiểu nhầm? Những website, fanpage quảng cáo sai sự thật về chất lượng sản phẩm Una Mộc Đơn có phải do công ty này điều hành? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, người tiêu dùng có được bồi thường?

Để có thông tin khách quan, PV Chất lượng Việt Nam đã liên hệ làm việc với ông Lê Duy Hùng - đại diện Công ty TNHH Thương mại CCB Việt Nam, tuy nhiên vị này không phản hồi về những phản ánh nêu trên. Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/vach-tran-chieu-tro-quang-cao-gian-doi-ve-chat-luong-san-pham-una-moc-don-d211444.html