Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã đăng tải bài viết “CEO Lã Thúy Kiều và đại lý quảng cáo sai công dụng, chất lượng sản phẩm An Dạ HITOSHI?", phản ánh CEO Lã Thúy Kiều cùng các đại lý quảng cáo “nổ” công dụng sản phẩm An Dạ HITOSHI.

Để làm rõ thông tin, PV đã tới Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Thiên Phú (địa chỉ trụ sở chính Số 461D3, ngõ 203 phố Tân Mai, Phường Tân Mai, Hoàng Mai) - đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, chất lượng sản phẩm này nhưng tại địa chỉ trên không có biển hiệu của đơn vị.

Tiếp tục tìm hiểu, PV nhận thấy thêm sản phẩm TPBVSK Kiều Slim cũng do Công ty Thiên Phú phân phối đang quảng trái quy định pháp luật. Cụ thể, sản phẩm này được nhiều đại lý đăng bán, khẳng định công dụng giảm 3-5kg sau liệu trình sử dụng mà không cần chế độ ăn kiêng.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Kiều Slim quảng cáo sai công dụng trên mạng xã hội. 

Ngoài ra, sản phẩm này tiếp tục được CEO Lã Thúy Kiều quảng cáo sai công dụng như: uống 1 lọ giảm 4-6kg, thậm chí giảm 7-8kg mà không mệt mỏi, không tác dụng phụ, không ăn kiêng... Theo bà Kiều, Kiều Slim được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên nên dùng là giảm, “giảm sướng lắm, uống giảm cân mà như không uống”.

Tiếp theo là sản phẩm Hoa Mộc được nickname “Lê Thành”- giới thiệu là Phó giám đốc Công ty Thiên Phú Group quảng cáo sai công dụng. Theo bài bán hàng của bà Thành, những ai gầy lâu năm, gầy bẩm sinh, dùng nhiều loại thuốc tăng cân nhưng không hiệu quả dùng ngay tăng cân Hoa Mộc: “Tăng cân hiệu quả sau 1 liệu trình, mập chắc, không tích nước, ngưng dùng không giảm kg, không tác dụng phụ...”.

Để bán được hàng, bà Thành còn “nổ” công dụng sản phẩm này như: “Cải thiện lông mao thành ruột non cho đường ruột giúp tăng cường khả năng hấp thụ...”.

leftcenterrightdel
Người dùng không nên tin vào những quảng cáo trên mà sử dụng sản phẩm Hoa Mộc. 

Thế nhưng, những quảng nêu trên chỉ nhằm “dụ” khách hàng chi tiền mua sản phẩm chứ không có bất cứ giấy tờ nào thể hiện cơ quan chức năng chứng nhận, cấp phép cho công dụng này. Thông qua nội dung trên, người tiêu dùng hoang mang cho rằng hai sản phẩm có chất lượng không hay chỉ là chiêu trò quảng cáo phóng đại? Nếu xảy ra rủi ro trong quá trình sử dụng sản phẩm thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Như chúng ta đều biết, TPBVSK/TPCN là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay có không ít trường hợp phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi lạm dụng các sản phẩm giảm cân, tăng cân. Điển hình là câu chuyện của chị N.T.A (43 tuổi, ở tỉnh Quảng Ninh) mua 2 lọ thuốc giảm cân trên mạng, được quảng cáo 100% từ thảo dược thiên nhiên sử dụng. Sau 1 tháng uống liên tục chị A. đã giảm được 3kg nhưng gặp phải biến chứng nặng nề do thành phần thuốc chứa chất cấm và nhập viện trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng.

Bác sĩ Cù Trung Kiên, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân bị teo hẹp toàn bộ dạ dày và thực quản do hóa chất. Chính vì vậy, sau khi triển khai hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực của bệnh nhân, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Sau phẫu thuật, bệnh nhân dần trở lại cuộc sống bình thường. Ca bệnh này là lời cảnh báo khi sử dụng sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm.

Thật giả lẫn lộn, đó là thực trạng vẫn diễn ra hàng ngày của thị trường TPCN/TPBVSK. Do đó, người tiêu dùng cần chuẩn bị kiến thức cơ bản về những dòng sản phẩm mình quan tâm để luôn chọn được sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả cao. Để bảo vệ người tiêu dùng, tòa soạn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý đại lý, cá nhân kinh doanh 2 sản phẩm trên để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;

Ngoài ra, có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm và buộc phải cải chính thông tin bị sai.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/them-san-pham-cua-cong-ty-thien-phu-quang-cao-sai-su-that-d216275.html