Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), các sản phẩm táo đỏ Hàn Quốc được đựng trong hộp giấy rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây đều là các loại sản phẩm giả mạo nhãn hiệu. Sản phẩm chính hãng được đựng trong túi nilon, với các họa tiết, đường in sắc nét.
Thực tế, thời gian qua lực lượng QLTT các tỉnh đã phát hiện và thu giữ lượng lớn táo đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, vào hồi tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Phòng vừa tiến hành khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH XNK nông sản và gia vị sạch.
Trước đó, ngày 24/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 4 - Cục QLTT thành phố Hải Phòng phối hợp với Đội 5 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hải Phòng khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính đối với Kho hàng tại địa chỉ thôn Tiên Hội, xã An Tiến, huyện An Lão, Hải Phòng thuộc Công ty TNHH đầu tư XNK Mai Dương Gia và khám 2 phương tiện vận tải, biển kiểm soát 15C-352.xx và 98C-108.xx. Tại thời điểm khám, lực lượng chức năng phát hiện các nhân công tại đây sử dụng táo đỏ khô có nguồn gốc Trung Quốc không qua chế biến đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh có bao bì ghi chữ Hàn Quốc và tiếng Anh nhãn hiệu Samsung, Made in Korea.
|
|
Táo đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phát hiện tại Lào Cai. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai |
Tiếp đến ngày 14/8/2023, tại khu vực đường Thủ Dầu Một, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an tỉnh Lào Cai phát hiện lô hàng gồm 100 thùng cát tông bên trong chứa hàng hoá. Sau khi khám đồ vật, phát hiện bên trong các thùng cát tông có chứa thực phẩm bao gói sẵn là táo đỏ khô, số lượng: 2.000 gói, (trọng lượng 252g/gói); trên bao bì của hàng hoá không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ. Chủ sở hữu của hàng hóa là ông Hoàng Quốc Việt - địa chỉ: xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Tại thời điểm khám, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu gì kèm theo, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, trên thực tế, ở nước ta không hiếm gặp các nhãn hiệu có tên tuổi bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất. Đặc biệt, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.