Triệt phá đường dây sản xuất, kinh doanh sản phẩm kém chất lượng
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), thực phẩm dinh dưỡng, sữa uống chứa thành phần chất cấm gây hại cho sức khỏe, tính mạng người dùng. Hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm này đã được cơ quan chức năng lật tẩy và cảnh báo tới người tiêu dùng. Điển hình là vụ việc Công an TP.Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây thực phẩm chức năng giả, bắt 4 giám đốc với hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra trên địa bàn TP.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng tìm mua các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ gồm thực phẩm chức năng giảm cân, tăng cân, thực phẩm chức năng bổ não, thực phẩm chức năng làm đẹp dành cho phụ nữ, sữa uống dành cho người già, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày… nên đã thành lập nhà máy sản xuất gia công các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả để bán ra thị trường nhằm trục lợi.
Nhóm đối tượng này có phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như thành lập công ty sản xuất, công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh. Hầu hết công ty này đều do các thành viên trong gia đình đứng tên giám đốc nhằm che mắt cơ quan chức năng.
Lực lượng cảnh sát tổ chức khám xét đồng loạt 10 địa điểm, gồm: nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng giả, các kho chứa, lưu giữ hàng hoá và xưởng in bao bì sản phẩm giả ở các địa phương như TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội) và TP.Từ Sơn (Bắc Ninh).
Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 4.000 thùng thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm thực phẩm chức năng và hàng nghìn vỏ bao bì làm giả với tổng tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỉ đồng.
Sự việc trên như hồi chuông cảnh báo tới các đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành quy định sản phẩm chất lượng, vẫn còn không ít đơn vị trà trộn thêm mặt hàng kém chất lượng, quảng cáo sai công dụng, lừa người tiêu dùng vì lợi nhuận.
Sữa tăng cân Weight Mass quảng cáo sai công dụng?
Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của độc giả về sữa tăng cân Weight Mass đang quảng cáo sai công dụng trên nhiều fanpage. Trước thông tin trên, PV đã tìm hiểu và ghi nhận nội dung phản ánh có căn cứ.
|
|
Thực phẩm dành cho chế độ đặc biệt Weight Mass thay tên đổi họ thành "Sữa tăng cân Weight Mass". |
Theo đó, tại các fanpage này quảng cáo sữa Weight Mass như “thần dược” tăng cân. Cụ thể, tại fanpage “Sữa Weight Mass tăng kí hàng đầu Việt Nam” với gần 2.000 người theo dõi giới thiệu là sản phẩm được các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và Mỹ nghiên cứu phù hợp với cơ địa người Việt Nam.
Ngoài ra, tổ chức kinh doanh còn khẳng định những trường hợp “gầy lê lết, gầy hốc gầy hác, gầy trơ xương chỉ cần 3 ly sữa mỗi ngày sẽ lên cân, lên dáng vèo vèo, tăng cân, tăng cơ, tăng sức đề kháng cho cơ thể mà không tích nước, không tăng cân ảo, không gây nóng trong, không tác dụng phụ, không sụt cân khi ngưng sử dụng...”.
Hay tại fanpage “Weight Mass - Sữa tăng cân chính hãng” cũng dành nhiều lời “có cánh” cho sản phẩm này: “Chỉ cần 3 ly Weight Mass mỗi ngày lên cân vèo vèo, tăng 5-7-12 ký, ăn ngon ngủ ngon, tinh thần thoải khoái...”. Để bán được số lượng lớn, tổ chức kinh doanh còn tung nhiều ưu đãi hấp dẫn như tặng quà, tặng tiền khi mua sản phẩm sử dụng.
Tiếp theo là fanpage “MC Tuấn Tú - Sữa tăng cân Weight Mass Hoa Kỳ” cũng không thua kém cho rằng sản phẩm dạng bột tăng hấp thu tới 20 lần, cứ 10 người dùng thì cả 10 người đều có được thân hình đầy đặn, khi dừng sản phẩm sẽ không bị giảm cân.
Theo ghi nhận của PV, sau mỗi bài quảng cáo, tổ chức kinh doanh khẳng định sữa Weight Mass là sản phẩm chính hãng, đã được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Chính những quảng cáo trên đã khiến người tiêu dùng tin tưởng và chi tiền mua sản phẩm mà không biết rằng công dụng nêu trên hoàn toàn không đúng. Không những vậy, Bộ Y tế có cấp phép cho những quảng cáo này hay do tổ chức kinh doanh tự “vẽ” nhằm lừa dối người dùng?
Ngoài ra, còn nhiều fanpage khác cũng quảng cáo sữa tăng cân Weight Mass trái quy định pháp luật.
|
|
Người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo "có cánh" mà chi tiền mua sản phẩm. |
Đối chiếu quy định pháp luật, Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này”.
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.
“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.