Cụ thể, qua công tác trinh sát, đội Chống buôn lậu, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, môi trường và buôn lậu, Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 89C-235.79 khi đang dừng đỗ tại khu vực cây xăng Q8, Khu công nghiệp Thăng Long 2, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trên xe vận chuyển 300 hộp bánh trung thu (mỗi hộp có chứa 70 chiếc), tương đương với 21.000 chiếc, trên nhãn, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài.

leftcenterrightdel
Hưng Yên - Phát hiện 21000 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Công an Hưng Yên. 

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là Trần Đăng Tài, trú tại phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên chưa xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của toàn bộ số hàng hóa. Tổ công tác đã yêu cầu anh Tài đưa phương tiện cùng toàn bộ hàng hóa về trụ sở của Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên để tiếp tục làm việc, kiểm tra, xác minh nguồn gốc của hàng hóa.

Theo các chuyên gia, bánh Trung thu “3 không” tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Các sản phẩm nhập ngoại hầu hết không có tiếng Việt, không rõ xuất xứ, thành phần và không có hạn sử dụng. Vì là sản phẩm sử dụng trực tiếp nhưng không rõ thành phần, hạn dùng nên người dùng cần thận trọng. Nếu xảy ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm, người dân cũng không biết tìm đến nhà sản xuất, người bán nào mà đòi quyền lợi. Sử dụng bánh trung thu trôi nổi không những có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Điều kiện bảo quản, bày bán sản phẩm cũng rất quan trọng, sản phẩm xuất xưởng có chất lượng tốt nhưng bày bán trên các hè phố nóng và bụi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không ai có thể đảm bảo về an toàn thực phẩm trong trường hợp này. Đối với bánh mua bán trực tuyến, người mua càng cần phải cân nhắc lựa chọn.

Theo quyết định số 2169/QĐ-BKHCN ngày 7/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 12940:2020 về Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo. Theo tiêu chuẩn này, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm theo quy định nêu trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm; giúp cơ quan quản lý có căn cứ để kiểm soát sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng thích hợp. Thông qua đó, sẽ đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất chân chính.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/phat-hien-o-to-van-chuyen-21000-chiec-banh-trung-thu-khong-ro-nguon-gocs11-d213999.html