Qua đấu tranh, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT tỉnh Nam Định đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh phân bón Nguyễn Văn A huyện Vụ Bản và hộ kinh doanh Đào Văn B huyện Ý Yên.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 80 bao (2.000kg), quy cách đóng bao là 25kg phân bón NPK cao cấp Phú Mỹ FAC – Lúa 2 của Công ty Cổ phần phân bón và hóa chất Nông nghiệp Phú Mỹ, địa chỉ: 207A Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “NPK Phú Mỹ, Cho mùa bội thu”.


leftcenterrightdel
Phân bón giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện và tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Nam Định. 

Trên cơ sở tang vật có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra đã phân tích, chỉ dẫn các vi phạm cùng thông báo kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, các chủ hộ kinh doanh đã thừa nhận sản phẩm phân bón NPK cao cấp Phú Mỹ – Lúa 2 của Công ty Cổ phần phân bón và hóa chất Nông nghiệp Phú Mỹ đang bày bán tại cửa hàng là sản phẩm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “NPK Phú Mỹ, Cho mùa bội thu”. Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính 02 hộ kinh doanh trên với hành vi vi phạm “Buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”, trình Cục QLTT tỉnh Nam Định xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước hành vi trên, Cục QLTT tỉnh Nam Định ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 hộ kinh doanh trên với số tiền phạt và số thu lợi bất chính 47 triệu đồng.

Qua vụ việc trên, Cục QLTT tỉnh Nam Định khuyến nghị đến các doanh nghiệp sản xuất phải biết tự bảo vệ sản phẩm của mình khi bị làm giả, bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phải xác định trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, trong đó có lực lượng QLTT để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như của người tiêu dùng. Đồng thời giúp cho công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng QLTT được tăng cường hơn nữa thông qua việc được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thể hiện vai trò, trách nhiệm của lực lượng QLTT đối với xã hội; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh bình đẳng để thu hút các nhà đầu tư khi đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Liên quan tới phân bón giả mạo nhãn hiệu, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phân bón giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đất đai bị thoái hóa, ô nhiễm môi trường, mà còn gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế của người nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, người nông dân đang trong tình cảnh “một cổ hai tròng”, nghĩa là vừa phải chịu tác động từ việc giá phân bón tăng cao, vừa phải đối mặt với nạn phân bón giả…

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết theo quy định của Nhà nước, nếu hàm lượng phân bón dưới 70% so với công bố thì được định nghĩa là phân bón giả. Hậu quả của việc dùng phân bón giả là chết cây hàng loạt, đất đai bị thoái hóa, thiệt hại kinh tế nặng nề. Nhiều loại phân bón giả được làm bằng chất thải công nghiệp, bón nhiều sẽ gây ngộ độc cho cây trồng. Cây trồng không hấp thụ được dinh dưỡng sẽ gây vàng lá và rụng trái. Thậm chí nhiều loại phân bón giả được làm từ cao lanh, các loại đất vo viên sau đó sấy khô, làm màu sắc giống phân thật. Loại này chiếm phần lớn hơn trong các loại phân giả hiện nay.

Ngoài phân bón giả, tình trạng phân bón kém chất lượng cũng rất đáng lo ngại. Các loại phân này không đủ điều kiện để được công nhận, nhưng vẫn được bán tại các cửa hàng do giá nhập thấp. Các loại phân này có hàm lượng NPK rất thấp và không cân đối. Khi bón vào cây sẽ làm cây bị rối loạn, không ra hoa ra trái, cây bị xót và chết do phân này tồn dư nhiều tạp chất có hại.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/thu-giu-hon-3000-tem-nhan-buoi-phuc-trach-khong-du-tieu-chuan-d213631.html