Văn phòng Chính phủ hôm 24/7 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ yêu cầu cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tính toán mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), đánh giá khoa học để đảm bảo hài hòa lợi ích lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Tiếp thu, giải trình nội dung này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết mức đóng BHXH (tỷ lệ đóng, tiền lương làm căn cứ đóng) được tính toán toàn diện trong tương quan mức hưởng, tiền đóng thực tế và mức hưởng các chế độ, thời gian tham gia.
Ở Đông Nam Á, tỷ lệ đóng BHXH của Việt Nam tương đối cao (26% vào ba quỹ thành phần hưu trí, ốm đau và tai nạn lao động) chỉ sau Singapore 37%. Tỷ lệ hưởng lương hưu cũng cao nhất trong khu vực lẫn trên thế giới. Cụ thể, lương hưu tối đa là 75% với nam đóng đủ 35 năm và nữ 30 năm BHXH. Nếu vượt trần, lao động nhận trợ cấp bằng 0,5 lần tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm thừa. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ khoảng 40%.
Nhưng mức lương hưu bình quân đầu người mỗi tháng của người Việt chỉ khoảng 5,4 triệu đồng. Lý do là tiền đóng BHXH bắt buộc thấp, năm 2022 chỉ đạt 5,73% triệu đồng mỗi tháng. Vì vậy, giảm tỷ lệ đóng vào đồng nghĩa phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH của người lao động. Lương hưu lẫn tiền thực hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vì thế cũng giảm theo. Điều này không phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tăng, nhưng không đáng kể dù năm 2016 bắt đầu thực hiện quy định tiền đóng gồm lương, phụ cấp lương, từ năm 2018 thêm các khoản bổ sung khác.
Song nhiều doanh nghiệp tách hoặc chuyển các khoản phụ cấp sang phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH. Vì thế, tiền lương đóng BHXH hiện chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu, cộng 5-7% phụ cấp nặng nhọc, độc hại, hoặc lao động qua đào tạo nghề. Mức đóng này khiến lương hưu rất thấp.
|
|
Người Hà Nội thể dục ở vườn hoa Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành |
Nhằm cải thiện mức lương hưu, tại dự luật, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.
Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng.
Phương án hai, căn cứ đóng là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn. Tiền lương đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng.
Hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ hôm 11/7, dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.