Mũ bảo hiểm giá rẻ kém chất lượng vẫn bán tràn lan

Ghi nhận của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, mặc dù từ nhiều năm nay, lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền để người tham gia giao thông lựa chọn sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn nhưng vì nhiều lý do, những loại mũ bảo hiểm bán trôi nổi kém chất lượng vẫn tồn tại và được nhiều người sử dụng.

Ghi nhận tại một số cửa hàng bán đồ bảo hộ, quầy hàng ngoài vỉa hè, hay đơn giản chỉ là một mặt hàng bán kèm những thứ khác, khắp các con phố từ Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng hay bờ sông dọc đường Láng…thành phố Hà Nội người tiêu dùng đều có thể mua được một chiếc mũ bảo hiểm giả, thời trang và giá rẻ. Mặc dù có giá niêm yết chỉ khoảng 40 nghìn đồng nhưng nếu khách hàng khéo mặc cả vẫn có thể mua được với giá rẻ một nửa.

Theo VOV Giao thông, tại nhiều cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xảy ra hiện tượng trà trộn mũ bảo hiểm chính hãng và mũ bảo hiểm giả, nhái, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng.

Mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng bán tràn lan trên đường phố. Ảnh: HaNoionline

Điển hình tại các tuyến phố như phố Lê Duẩn, Khâm Thiên, quận Đống Đa, đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Xiển của thành phố Hà Nội; đường An Dương Vương, Kinh Dương Vương quận Bình Tân; quốc lộ 1, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng cũng được bày bán tràn lan. Thậm chí, nhiều nơi, cửa hàng chỉ vẻn vẹn 2 chồng mũ bày bán ven đường nhưng vẫn tấp nập người mua nhờ tấm biển ghi giá từ 20- 30 nghìn đồng /chiếc.

Đối với những chiếc mũ bảo hiểm có giá trị thấp như vậy đi kèm là chất lượng khó có thể đảm bảo nhưng nhiều người vẫn mua một phần do tiện lợi và thời trang, có người chỉ cần che đầu trong những ngày nắng, chống chế với quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm, còn việc nó có an toàn hay không thì lờ đi. 

Từ thực tế kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thừa nhận: “Hiện vẫn còn tồn tại một số cá nhân bày bán mũ bảo hiểm, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm trên vỉa hè không có giấy đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hợp quy, không niêm yết giá bán, không có dán nhãn, ghi nhãn không đầy đủ".

Mặc dù, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm nhưng gặp khó khăn trong công tác xử phạt bởi đa phần các cá nhân bày bán tự phát trên lòng đường, vỉa hè, không có cửa hàng, giấy phép kinh doanh. Mặt khác, khi lực lượng chức năng rời đi, các đối tượng này lại bày bán công khai trở lại.

Quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Nói tới mũ bảo hiểm kém chất lượng, trước đó một nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong Châu Á, có 90% mũ bảo hiểm được kiểm định (trong tổng số 540 mũ) không đạt yêu cầu về chất lượng và độ an toàn theo QCVN2:2008. Mũ bảo hiểm kém chất lượng không có tác dụng bảo vệ vùng đầu, làm gia tăng nguy cơ chấn thương sọ não, giảm cơ hội sống của người điều khiển xe máy nếu xảy ra va chạm giao thông.

Đối với mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ có một lớp nhựa và lớp xốp EPS giúp làm giảm xung lực đối với vùng đầu nếu chẳng may xảy ra va chạm. Tuy nhiên, đối với những mũ bảo hiểm giả, chỉ có duy nhất lớp nhựa cứng, khi xảy ra va chạm, lớp nhựa cứng bị vỡ thành những mảnh nhỏ có thể gây tổn thương cho vùng đầu, rất nguy hiểm.

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2021/BKHCN ban hành ngày 15/6/2021 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thì việc phân loại theo vùng che phủ phải đảm bảo có 4 loại là mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu và tai; mũ che cả đầu, tai và hàm; mũ che ba phần tư đầu. Về cỡ, thông số và kích thước cơ bản phải đảm bảo theo chu vi vòng đầu, các cỡ mũ được quy định cụ thể và viện dẫn theo Điều 4 TCVN 5756:2017 với 9 cỡ mũ có chu vi vòng đầu từ 460mm đến 620mm.

Theo quy chuẩn này còn có quy định về kích thước lưỡi trai, không được quá 70mm (cho lưỡi trai rời tháo lắp được và không quá 50mm (cho lưỡi trai liền khối với vỏ mũ). Quy chuẩn cũng quy định độ bền va đập và hấp thu xung động có một số thay đổi như kính bảo vệ quy định về hệ số truyền sáng cho kính màu nhạt, trong suốt là không nhỏ hơn 50% (với yêu cầu trên kính có ghi chú “chỉ dùng cho ánh sáng ban ngày”).

Trong QCVN 2:2021/BKHCN ngoài các thông tin ghi nhãn theo phiên bản năm 2008, yêu cầu trên mũ và trên bao bì phải có ghi nhãn thêm các thông tin về xuất xứ hàng hóa; kiểu mũ, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo và đặc biệt có ghi khối lượng mũ và dung sai khối lượng. 

Mũ bảo hiểm sản xuất trong nước phải công bố hợp quy theo các quy định mới như Thông tư 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 và các văn bản pháp quy liên quan trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Mũ nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, được gắn dấu CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/mu-bao-hiem-kem-chat-luong-khong-dam-bao-tieu-chuan-van-ban-tran-lan-d220018.html