Báo Công Thương nhận được đơn phản ánh của ông Nguyễn Tuấn Linh (SN 1996), trú tại Khu 2, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân,
tỉnh Thanh Hóa về việc, hai lần đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Lặc, nhưng bác sỹ lại kê thực phẩm chức năng vào mục thuốc điều trị trong sổ khám bệnh; tại sao ông mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viên nhưng hóa đơn giá trị gia tăng lại do Công ty CP y tế Tân Hoàng xuất hóa đơn?. Thuốc và thực phẩm chức năng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng, sổ khám bệnh và phiếu xuất thuốc của bệnh viện không khớp nhau về tên loại, số lượng, đơn giá?.
|
|
Ông Nguyễn Tuấn Linh yêu cầu Bệnh viện đa khoa Ngọc Lặc làm rõ việc kê thực phẩm chức năng, đơn thuốc, số lượng thuốc và hóa đơn thuốc trong sổ khám bệnh. |
Để làm rõ những nội dung mà ông Linh phản ánh, phóng viên Báo Công Thương đã làm việc với ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Lặc. Ông Minh cho biết: “Bệnh nhân Nguyễn Tuấn Linh gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế, do đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của bệnh viện nên Sở đã chuyển đơn về bệnh viện giải quyết. Ngay sau đó, tôi đã yêu cầu chị Nguyễn Thị Phượng, nhân viên phụ trách bán hàng nhà thuốc bệnh viện làm tường trình”.
Theo bản tường trình của chị Nguyễn Thị Phượng: Khoảng 9h ngày 8/12/2022, ông Nguyễn Tuấn Linh vào nhà thuốc bệnh viện mua thuốc trong sổ khám bệnh của bác sỹ Bùi Văn Phong có tư vấn và hướng dẫn mua thêm hai loại thực phẩm bổ sung gồm: Gataspec forte, số lượng 30 viên (thành phần Ginkgo Biloba 120mg + Choline 100mg + Cao rau đắng biển 300mg + Citicoline 100mg + Nattokinase 500Fu + Magie 40mg + Vitamin B6 10mg + Melatonin 2,9 mg) có công dụng hoạt huyết tăng cường tuần hoàn máu não, giúp cải thiện các triệu chứng do thiểu năng tuần hoàn não, hỗ trợ giảm nguy cơ di chứng sau tai biến mạch máu não do tắc mạch do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế STP sản xuất có giá bán tại nhà thuốc 20.000 đồng/viên.
|
|
Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Lặc, nơi ông Nguyễn Tuấn Linh mua thuốc và yêu cầu hỗ trợ để có hóa đơn thanh toán với cơ quan. |
Gatamin số lượng 30 viên (thành phần Albumin 700mg) có công dụng giúp sung Albumin hỗ trợ bồi bổ cơ thể nâng cao sức khỏe tăng cường sức đề kháng do Công ty CP Dược phẩm Quốc tế STP sản xuất có giá bán tại nhà thuốc 26.000 đồng/viên và xuất phiếu bán hàng của nhà thuốc bệnh viện theo quy định, tuy nhiên ông Linh đã yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng để về thanh toán với cơ quan. Chị Linh đã giải thích là nhà thuốc bệnh viện không xuất được hóa đơn giá trị gia tăng chỉ có phiếu xuất bán hàng. Sau đó ông Linh đã nhờ chị Linh lấy giúp hóa đơn giá trị gia tăng với số tiền 1.370.000 đồng để có hồ sơ giấy tờ hợp lệ thanh toán với cơ quan. Để giúp ông Linh có hóa đơn giá trị gia tăng, chị Linh đã liên hệ với nhà cung ứng thuốc cho nhà thuốc bệnh viện để nhờ xuất hóa đơn VAT.
Tiếp đến, ngày 5/6/2023 ông Vũ Tuấn Linh lại ra mua thuốc theo đơn của bác sỹ Phạm Thị Thu kê đơn gồm: Level amy số lượng 30 viên hoạt chất L- ornithin L-arpatat 500mg có tác dụng hạ men gan, giải độc gan và Viminota số lượng 30 viên (thành phần chiết xuất sâm hàn quốc + Methionin + Leucin + Arginin + Vitamin D + Vitamin B1 + Vitamin B6 + Vitamin PP + Vitamin E + Vitamin A). Công dụng thuốc bổ tổng hợp.
Tuy nhiên, hai loại thuốc này không nằm trong danh mục của nhà thuốc bệnh viện nên chị Phượng đã hướng dẫn ông Nguyễn Tuấn Linh hỏi lại ý kiến của bác sỹ và ông Linh yêu cầu bán loại thuốc nào có hoạt chất tương tự, chị Phượng đã bán cho ông Linh thuốc Pharnaraton là thuốc bổ tổng hợp do Công ty CP Dược phẩm Hà Tây sản xuất và Helornir là thuốc bổ gan do Công ty TNHH Phil Inter Pharma sản xuất.
Sau khi nhận thuốc, ông Nguyễn Tuấn Linh đề nghị xin xuất hóa đơn giá trị gia tăng như lần trước, chị Phượng đã liên hệ với nhà cung ứng hai loại thuốc này và nhờ họ giúp đỡ xuất hóa đơn với số tiền ông Linh yêu cầu là 525.000 đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tuấn Linh cho biết: “Tôi đi khám vài lần thấy nhiều vấn đề như, bác sỹ kê 2 loại thuốc mỗi loại 30 viên, nhưng lại xuất hóa đơn một loại tăng lên 45 viên, loại thuốc kia lại ít đi còn 10 viên cho vừa với số tiền trong hóa đơn bán hàng. Vấn đề nữa là bác sỹ kê đơn thuốc xong còn bảo tôi ra quầy thuốc số 2 bên ngoài cổng bệnh viện mà mua”.
|
|
Bệnh viện đa khoa Ngọc Lặc đã có văn bản trả lời Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Tuấn Linh. |
Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc bệnh viện đa khoa Ngọc Lặc cho biết: “Bệnh viện đã mời ông Linh lên làm việc và giải thích rõ vấn đề rồi. Sau khi khám bệnh bác sỹ kết luận là ông Linh bị rối loạn tiền đình, với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nên bác sỹ đã tư vấn dùng thêm thực phẩm chức năng và ông Linh đồng ý nên bác sỹ đã kê vào sổ khám bệnh. Phiếu xuất kho của nhà thuốc bệnh viện ghi rõ 2 loại thuốc, mỗi loại là 30 viên, nhưng trong hóa đơn giá trị gia tăng bị lệch số lượng thuốc thành một loại 45 viên (tăng 15 viên) và loại kia 10 viên (giảm 20 viên), nhưng số tiền không thay đổi".
“Bệnh viện cũng đã có văn bản trả lời đơn khiếu nại của ông Nguyễn Tuấn Linh, đồng thời yêu cầu nhân viên rút kinh nghiệm trong quá trình bán thuốc cho bệnh nhân. Quan điểm của tôi là không bao che, nếu phát hiện nhân viên vi phạm, tắc trách với bệnh nhân bệnh viện sẽ xử lý nghiêm” - ông Minh nhấn mạnh.
Qua trả lời trên dư luận cho rằng chưa thật sự thuyết phục vì cũng chưa làm rõ những dấu hiệu bất thường và sai phạm từ phía bệnh viện cũng như chưa làm rõ có dấu hiệu gì chưa bình thường trong các ý kiến phản ánh.
Dư luận chưa quên một sự việc có dáng dấp tương tự. Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Bộ Y tế cho biết đã nắm được phản ánh liên quan tới thông tin nhập nhèm kê đơn thuốc kèm Thực phẩm chức năng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Kết quả của việc xử lý đến nay như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngay khi có thông tin báo chí phản ánh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành kiểm tra và xử lý.
Theo đó ngày 6/6/2022, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có báo cáo giải trình nêu rõ, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện xác định đây là "sai sót" trong quy trình nghiệp vụ. Bệnh viện đã xử lý bác sĩ vi phạm bằng hình thức cho điều chuyển công tác và đây là cơ sở để tiếp tục xử lý kỷ luật theo quy định.
"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã ngừng tư vấn thực phẩm chức năng. Ngày 17/6/2022, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các cơ sở y tế tất cả các tỉnh, thành phố và cơ sở y tế trực thuộc các bộ ngành về việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú theo đúng quy định", Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo bà Liên Hương, quản lý đơn thuốc cũng là nội dung quan trọng trong việc đánh giá chất lượng bệnh viện hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động kê đơn thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Được biết, theo Thông tư 05/2016/TT-BYT ngày 29.2.2016 của Bộ Y tế. Theo quy định, bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm vào đơn thuốc.
Trong một vụ việc khác ở Bệnh viện Da liễu Trung ương, các sản phẩm này không được đưa vào đơn thuốc mà phải chuyển sang phiếu tư vấn, đồng thời bác sĩ có giải thích, tư vấn cho người bệnh về tác dụng của các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc kê thực phẩm chức năng trong phiếu tư vấn cũng được thực hiện đúng theo quy định của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế như: các vitamin, khoáng chất, yếu tố vi lượng... có tác dụng hỗ trợ điều trị cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc không đưa vào đơn thuốc mà đưa vào phiếu tư vấn; đồng thời tư vấn cho người bệnh về tác dụng của các sản phẩm trong việc hỗ trợ điều trị.
Để minh bạch trong việc kê đơn thuốc và thực phẩm chức năng, bệnh viện đã thực hiện theo quy định của Bộ Y tế và quy định kê đơn thuốc và thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm được tách riêng biệt thành 2 phiếu.
Từ các "lùm xùm" nêu trên, dư luận cho rằng "phiếu tư vấn" vẫn là kẽ hở lách luật. Bộ Y tế cần có giải pháp triệt để hơn quản lý vấn đề này.