Hà Nội tăng cường giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng Tết Trung thu
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu và thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em trên địa bàn TP đón Tết Trung thu vui tươi, an toàn, đầm ấm… Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn Thành phố năm 2023.
Theo đó, Sở Công Thương yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng nhiều dịp Tết Trung thu, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, sản phẩm bánh trung thu trên địa bàn tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Các cơ sở nhập khẩu bánh trung thu phải thực hiện việc tự công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành có liên quan.
Các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa bàn, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các điểm kinh doanh bánh trung thu không có địa điểm cố định, sản phẩm bánh trung thu giá rẻ, thời hạn sử dụng dài,... có nguồn gốc sản xuất trên địa bàn hoặc từ ngoài Thành phố. Đặc biệt, kiên quyết loại bỏ các điểm kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu không đúng nơi quy định, không đảm bảo an toàn thực phẩm và vi phạm trật tự công cộng…
|
|
Lực lượng QLTT cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở sản xuất mặt hàng Tết Trung Thu vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Cao Bằng. |
Những mặt hàng TP.HCM sẽ tập trung kiểm tra dịp trước Tết Trung thu
Thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Trung thu, đặc biệt là các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp này, đơn vị đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể, về thời gian kiểm tra sẽ diễn ra từ nay đến ngày 9/10/2023. Nhóm sản phẩm kiểm tra gồm: Bánh, mứt, kẹo, trà, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, các loại bánh trung thu, các sản phẩm từ bột…
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra cũng chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm để đánh giá chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; ngăn chặn sản phẩm vi phạm lưu hành trên thị trường. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cục QLTT Hưng Yên cảnh báo người tiêu dùng không mua bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ
Nhằm nâng vai trò quản lý nhà nước, về an toàn thực phẩm nhất là dịp Tết Trung thu, Cục QLTT Hưng Yên đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh bánh trung thu không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cục QLTT tỉnh Hưng Yên yêu cầu các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm kinh doanh, công khai, niêm yết giá bán rõ ràng, đầy đủ. Đề nghị nhân dân, người tiêu dùng không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.
Nên mua các sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ tiêu chí như tên nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thời hạn sử dụng. Sản phẩm phải đảm bảo không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Mua tại các cơ sở bán bánh phải có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Chỉ nên chọn mua bánh trung thu khi có tem mác ghi rõ hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần, không bị dập nát và có mùi lạ. Đặc biệt, đối với bánh trung thu truyền thống càng khó bảo quản hơn, dễ bị hỏng. Vì thế, đối với những chiếc bánh trung thu được bán tràn lan và để vài tháng mà không bị ôi thiu thì phải đặt dấu hỏi về chất bảo quản.
Cao Bằng xử lý 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu
Ngày 06/9/2023, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Cao Bằng tiến hành kiểm tra đột xuất 02 hộ sản xuất bánh trung thu trên địa bàn huyện Hạ Lang gồm: Hộ kinh doanh Ngô Kim Khánh, địa chỉ: Phố Hạ Lang, thị trấn Thanh Nhật và hộ kinh doanh Hoàng Thị Thảo, địa chỉ: Xã Việt Chu.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Hộ kinh doanh Ngô Kim Khánh có hai hành vi vi phạm hành chính gồm: Sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ. Đối với Hộ kinh doanh Hoàng Thị Thảo, lực lượng chức năng phát hiện 3 hành vi vi phạm hành chính gồm: Sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực.
Bộ Y tế tập trung ưu tiên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Trước thực tế này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có Công văn số 1888/ATTP-NĐTT về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Y tế các tỉnh triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình kiểm tra, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.