Ngày 31-3, Bộ Y tế Nhật Bản đã tiến hành thanh tra nhà máy thứ hai của hãng dược phẩm Kobayashi, sau các báo cáo về trường hợp tử vong và nhập viện có thể có liên quan đến thực phẩm chức năng chứa men gạo đỏ của hãng này.
|
|
Ban lãnh đạo Kobayashi Pharmaceutical cúi đầu trong buổi họp báo ở Osaka vào ngày 28-3 (Nguồn: AFP) |
Theo Hãng tin Reuters, cuộc thanh tra ngày 31-3 diễn ra tại nhà máy thứ hai của hãng Kobayashi ở tỉnh Wakayama, sau cuộc thanh tra đầu tiên tại nhà máy Osaka ngày 30-3.
Hãng dược phẩm Kobayashi có trụ sở tại Osaka cho biết họ đã tìm thấy một chất độc có tên axit puberulic, tạo ra bởi nấm mốc xanh penicillium có trong men gạo đỏ "Beni-Koji".
Sản phẩm "Beni-koji choleste-help" được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 10-2023, với quảng cáo sẽ giúp người dùng giảm cholesterol.
Tính đến ngày 29-3, Kobayashi ghi nhận 114 trường hợp nhập viện và 5 trường hợp tử vong sau khi dùng thực phẩm chức năng có chứa "Beni-koji" của hãng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, hiện tại nguyên nhân dẫn đến tử vong sau khi sử dụng thuốc chưa được xác định.
Các chuyên gia vẫn nghi ngờ nguyên nhân đến từ Beni-Koji. Do đó, Bộ Y tế Nhật Bản đã tiến hành thanh tra hai nhà máy của hãng dược phẩm này trong hai ngày 30 và 31-3.
|
|
Một nhà máy của Kobayashi ở Osaka, Nhật Bản (Ảnh: Kyodo News) |
Các cuộc điều tra trước đó cho rằng một số loại nấm mốc Monascus sản sinh ra citrinin, một chất độc được cho là gây ra các vấn đề về thận.
Ngày 29-3, Kobayashi cho biết họ đang điều tra mối liên hệ giữa các sản phẩm và tác dụng của chúng đối với thận, kể từ khi nhận được báo cáo về bệnh thận liên quan đến các sản phẩm này.
“Chúng tôi sẽ hợp tác điều tra nghiêm túc để giải quyết vấn đề sớm nhất có thể”, bà Yuko Tomiyama, giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Kobayashi, cho biết trong một bài phát biểu trên đài truyền hình NHK.
Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cam kết sẽ chung tay với các bên liên quan khác để nỗ lực hết mình giải quyết vấn đề đang diễn ra, đồng thời yêu cầu Kobayashi hợp tác khi cần thiết.
Theo thông tin từ Kobayashi, lô thực phẩm chức năng có vấn đề được sản xuất tại một nhà máy ở Osaka, sau đó được cung cấp cho khoảng 50 công ty khác ở Nhật Bản và hai công ty ở Đài Loan (Trung Quốc).
Đây là lần đầu tiên một hãng dược phẩm Nhật Bản công khai các trường hợp thiệt hại về sức khỏe và tự nguyện thu hồi sản phẩm, kể từ khi hệ thống dán nhãn thực phẩm chức năng được áp dụng tại quốc gia này vào năm 2015.
Số người bị ảnh hưởng có thể còn tăng
Theo TTXVN, Bộ Y tế Nhật Bản cho rằng các chất bổ sung có thể là nguyên nhân gây ra tử vong và những vấn đề sức khỏe, đồng thời cảnh báo số người bị ảnh hưởng có thể tăng lên.
Nhằm ngăn chặn những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sản phẩm thực phẩm bổ sung, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá lại hệ thống phê duyệt sản phẩm trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.