Vì lợi nhuận trước mắt, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng

Tại khu đô thị lớn, đặc biệt là các chung cư cao cấp, việc mua bán thực phẩm qua hội nhóm trên mạng xã hội là điều không quá xa lạ với người dân, đặc biệt là với các gia đình bận rộn không thể dành thời gian đi chợ hàng ngày. Ưu điểm là nhanh, thuận lợi, thực phẩm được giao tận nhà, tuy nhiên, thời gian gần đây đã có nhiều đối tượng lợi dụng trà trộn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời.

Chị Thu - hiện đang sinh sống tại chung cư Times City đã mua cá lăng từ nhóm bán thực phẩm tại khu chung cư nơi chị đang sinh sống. Được quảng cáo là hàng cần giải cứu và cá lăng hữu cơ nên chị đã mua với số lượng lớn để ủng hộ. Tuy nhiên, khi sử dụng chế biến, chị không khỏi bất ngờ vì là cá đông lạnh và đã được tẩm ướp, quan trọng nhất là thịt cá rất nhão, nhiều chỗ chảy nước và không giống cá lăng. Tại khu đô thị Times City nhiều người cũng gặp phải tình trạng như gia đình chị Thu. Nhiều gia đình còn có người bị đau bụng sau khi ăn sản phẩm này.

leftcenterrightdel
Nhiều gian thương chỉ vì hám lợi mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa. 

Ngay sau khi nhận phản ánh của cư dân tại khu đô thị Times City về việc mua phải cá đông lạnh không rõ nguồn gốc, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra cửa hàng phân phối số thực phẩm trên. Cửa hàng này đã bán hơn 200 suất cá lăng đông lạnh, kém chất lượng cho hàng chục hộ dân. Thời điểm kiểm tra, tại tủ đông của cửa hàng phát hiện nhiều mặt hàng sản phẩm thịt đông lạnh không có nhãn mác. Người bán hàng cho biết, mỗi suất cá đông lạnh được phù phép thành cá tươi có thể lãi từ 100.000-150.000 đồng nên mới nhập cá từ Yên Sở về phân phối. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng cũng không xuất trình được bất cứ hoá đơn chứng từ nào.

Được biết trong 6 tháng đầu năm qua, lực lượng Quản lý Thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 200 vụ việc; xử phạt hành chính hơn 2 tỷ đồng và tiêu hủy tang vật trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Con số này lớn hơn nhiều so với cùng đợt xử lý vi phạm năm trước. Điều đó cho thấy tình hình buôn bán thực phẩm bẩn vẫn còn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Ngày càng nhiều vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc một phần do chế tài xử lý còn quá nhẹ, hầu hết mới dừng ở xử phạt hành chính trong khi lợi nhuận mang về quá lớn. Để việc ngăn chặn đạt hiệu quả cao, lực lượng QLTT cũng đề xuất cần tăng thêm chế tài đối với hành vi vi phạm, có thể chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự, đặc biệt trong những trường hợp cố tình sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn với quy mô lớn để bán cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm

Có thể nhận thấy, bên cạnh những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính thì dịch vụ kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội đang “trăm hoa đua nở” mà không cần biết đến các thủ tục đăng ký kinh doanh và những giấy phép đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng phần vì ham rẻ, phần chưa nhận thức đầy đủ về tính minh bạch của sản phẩm liên quan đến nhu cầu ăn uống thường ngày nên vô tình tạo điều kiện cho thực phẩm kém chất lượng lên bàn ăn của chính gia đình mình.

Trước thực tế việc kinh doanh hàng hóa nói chung và kinh doanh thực phẩm đang bùng nổ trên mạng xã hội hiện nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo: Thực phẩm là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện phải được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là việc kinh doanh qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.

Các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên nên rất khó cho công tác quản lý.

Bên cạnh đó, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa chất cấm, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây bệnh cho người sử dụng. Đặc biệt, người bán hàng online thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật do đó, người bán có thể tự do thay đổi thông tin, địa điểm kinh doanh mà người tiêu dùng không thể lường trước được. Vì vậy, thông tin liên lạc cùng danh tính người bán chưa thực sự rõ ràng và xác thực khiến người tiêu dùng rất khó kiểm tra chất lượng do sản phẩm được đơn vị giao nhận gửi đến và bao gói rất cẩn thận.

Từ thực tế nêu trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo khi mua các loại thực phẩm qua mạng người tiêu dùng cần lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến); thành phần cấu thành sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng); yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin.

Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ nên chọn sản phẩm thực phẩm từ các sơ sản sản xuất, kinh doanh có bề dày hoạt động trên thị trường, có uy tín với thương hiệu và chất lượng sản phẩm được kiểm chứng cùng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp. Tránh tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm được quảng cáo bắt mắt, công dụng thiếu thực tế và chứng cứ khoa học, mập mờ về nhãn mác cùng xuất xứ không rõ ràng.

Liên quan đến thực phẩm đông lạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành tiêu chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng an toàn của sản phẩm khi được đem ra tiêu thụ ngoài thị trường, trong đó có Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7047:2020- Thịt đông lạnh áp dụng cho thịt đông lạnh được dùng làm thực phẩm.

Yêu cầu chung là các sản phẩm gia súc, gia cầm và động vật trên cạn khác khi đưa vào giết mổ phải đáp ứng quy định hiện hành về kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm. Sau khi kết thúc quá trình giết mổ, thân thịt có thể được xẻ đôi hoặc xẻ tư (nếu cần), ngay sau đó được đưa về điều kiện mát sao cho nhiệt độ tâm sản phẩm được duy trì ở mức không lớn hơn 7°C, sau đó được pha lọc (nếu cần), đóng gói và cấp đông.

Yêu cầu cảm quan về chất lượng đối với thịt đông lạnh được quy định theo bảng sau:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển và bảo quản

Bao gói: Thịt đông lạnh được bao gói trong bao bì chuyên dùng cho thực phẩm, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Ghi nhãn: Ghi nhãn thịt đông lạnh theo quy định hiện hành.

Vận chuyển: Thịt đông lạnh được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Trong suốt quá trình vận chuyển, nhiệt độ của tâm sản phẩm không được lớn hơn âm 12 °C.

Bảo quản: Thời gian bảo quản thịt đông lạnh không được quá 18 tháng tính từ ngày sản xuất. Thịt đông lạnh phải được bảo quản trong kho chuyên dùng, quá trình bảo quản nhiệt độ tâm sản phẩm không lớn hơn âm 12 °C. 


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/nhap-nhem-chat-luong-thuc-pham-dong-lanh-tren-cac-cho-mang-d213170.html