|
|
Người lao động chờ làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Bắc Giang. Ảnh: Quế Chi |
Công nhân đồng tình
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Trao đổi với phóng viên ngày 20.8, chị Nguyễn Thị Hải - công nhân đã mất việc - cho biết, tuy không thuộc đối tượng của đề xuất này do đã có 18 năm đóng BHXH, nhưng chị đồng tình bởi điều này mang lại lợi ích cho người lao động nói chung. “Bất cứ đề xuất nào mang lại lợi ích cho người lao động tôi đều ủng hộ. Người lao động sẽ có thêm một chế độ an sinh nữa để lựa chọn” - chị Hải cho biết. Chị Hải có ý định sẽ tiếp tục đóng BHXH để đủ năm tham gia BHXH, rồi chờ đến tuổi nghỉ hưu để được hưởng lương hưu.
Chị Kim Thị Hậu (công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, nhiều công nhân lao động làm trong khu công nghiệp như chị có việc làm khá bấp bênh. Công ty ít việc, chấm dứt hợp đồng là công nhân sẽ bị mất việc; hoặc có trường hợp công nhân có việc riêng, trở về quê - sẽ không tham gia đóng BHXH nữa.
Chị Hậu nói, nhiều công nhân chị biết chưa đủ năm đóng BHXH, đủ tuổi để hưởng lương hưu, khi nghỉ việc đã chọn phương án rút BHXH một lần vì “Họ lo ngại rủi ro khi phải chờ đợi nhiều năm nữa mới được hưởng lương hưu, nên rút BHXH để gửi tiết kiệm ở ngân hàng”.
Là người có 8 năm tham gia BHXH, chị Hậu cho biết, trước mắt vẫn tiếp tục làm việc, đóng BHXH để mong sau này có lương hưu. Chị cho rằng, nếu đề xuất trên được thực hiện, có những trường hợp người lao động sẽ không chọn giải pháp rút BHXH mà sẽ chọn phương án hưởng trợ cấp để đảm bảo cuộc sống sau khi hết tuổi lao động mà vẫn chưa được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Thêm tầng an sinh cho người lao động
Chị Nguyễn Thị Huyền (công nhân tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang) đồng tình với đề xuất, nhưng bày tỏ băn khoăn về khoản tiền trợ cấp và thời gian được hưởng.
Cụ thể, theo đề xuất, thời gian hưởng căn cứ trên số năm đóng BHXH; mức hưởng thấp nhất bằng tiền trợ cấp hưu trí xã hội - 360.000 đồng. Nếu tổng tiền đóng BHXH của lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hàng tháng từ lúc nghỉ hưu đến trước 75 tuổi thì được hưởng mức cao hơn.
Theo nữ công nhân này, mức hưởng 360.000 đồng tối thiểu là quá thấp. Hơn nữa, dù mức hưởng khác nhau tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, như vậy sẽ khó có thể đảm bảo cuộc sống theo như mong muốn của nhiều người.
Chị Huyền - người có 16 năm đóng BHXH - cho biết, tuy không thuộc đối tượng của đề xuất, nhưng ở góc độ một người lao động, chị mong độ tuổi được hưởng thấp hơn, ví dụ khoảng 55 tuổi đối với nữ giới, đồng thời mức hưởng tăng hơn để đảm bảo cuộc sống của các trường hợp được thụ hưởng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐVN) bày tỏ đồng tình với đề xuất trên. Theo ông Quảng, đây là đề xuất rất tốt cho người lao động. Ông Quảng cho rằng, nếu đề xuất này được chấp thuận, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu thì có 2 lựa chọn: Nhận BHXH 1 lần hoặc hưởng trợ cấp theo tỉ lệ nhất định như đề xuất.