Theo Tổng cục QLTT, nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên Internet tại Việt Nam là 13 tỷ USD thì đến năm 2022, con số này tăng vọt lên thành 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm cao nhất Đông Nam Á gần 1 nửa dân số Việt Nam mua sắm online, cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% tỷ lệ dân số. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử đã tạo nên những khó khăn, thách thức cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trên thương mại điện tử.

Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 4 (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05, Bộ Công an) cho biết, trên không gian mạng hiện nay xuất hiện nhiều đối tượng bán hàng giả, thậm chí có cả những mặt hàng bị cấm buôn bán, kinh doanh.

Trong đó, tình trạng buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng tràn lan, không kiểm soát được. Các đối tượng quảng cáo thực phẩm chức năng, dược phẩm không rõ nguồn gốc có chức năng chữa được nhiều bệnh, kể cả ung thư. Tinh vi hơn, những đối tượng này lấy hình ảnh các bệnh viện, bác sĩ uy tín, thậm chí thuê cả diễn viên, bác sĩ để quảng cáo.

Tình trạng quảng cáo, mua bán bóng cười, nước vui, cần sa, ma túy qua không gian mạng đã xuất hiện, có dấu hiệu gia tăng. "Qua rà soát trên mạng, A05 bước đầu phát hiện một số đối tượng thành lập nhóm kín chuyên trao đổi mua bán ma túy với phương thức, thủ đoạn là tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo để quảng cáo, rao bán các chất ma túy", Thượng tá Hải nói.

leftcenterrightdel
Kho sản phẩm giả mạo, hàng nhập lậu của hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Gia Lai) kinh doanh online bị bắt giữ đầu tháng 11/2023. 

Cũng theo ông Phạm Công Hải, để giải quyết vấn nạn trên, lực lượng Quản lý Thị trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi, shipper… để "truy" ra nguồn hàng, kho bãi tập kết, phương thức thủ đoạn giao nhận, phương thức thanh toán. Ngoài ra, giữa các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp trong thu thập thông tin về tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội, website thương mại điện tử... có các loại hàng hóa nghi vấn là hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại do các đối tượng quảng cáo, đăng bán.

"Vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên không gian mạng đều gắn chặt với hoạt động thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số; từ đó phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh, làm rõ chủ tài khoản, xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật", Thượng tá Hải nói.

Theo ông Nguyễn Phương Minh (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN), để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thương mại điện tử, cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát hiện sớm, đấu tranh ngăn chặn.

Cùng nói về vấn đề trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT khẳng định, vấn đề lớn nhất của các sàn thương mại điện tử hiện nay là tổ chức mua bán hàng hóa rất dễ dàng. Hầu hết sàn không yêu cầu người bán hàng công khai thông tin, điều này là vi phạm quy định pháp luật hiện nay.

"Đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi trong công tác quản lý sàn thương mại điện tử. Trong lần sửa đổi nghị định về quản lý thương mại điện tử tới đây, cần bổ sung quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với các đơn vị tổ chức giao dịch thương mại điện tử. Sàn giao dịch thương mại điện tử tổ chức ra chợ để mua bán nhưng lại từ chối trách nhiệm đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ ở đó là không được. Cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về vai trò, trách nhiệm của chủ chợ, chủ sàn về chất lượng hàng hóa, kể cả thông tin hàng hóa đăng tải trên đó", ông Linh nói.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/chan-hang-gia-hang-nhai-tren-san-thuong-mai-dien-tu-d216092.html