Bác sĩ Trần Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết ba bệnh nhân đều là nữ, ở ba nơi khác nhau, cùng chung triệu chứng sốt 2-3 ngày, lơ mơ, rối loạn tri giác.

Trong đó, bệnh nhân 36 tuổi, bị tiêu chảy, ban đầu được chẩn đoán bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, sau hai ngày mới có dấu hiệu thay đổi nhận thức. Quá trình điều trị, người bệnh có những cơn mê, song điều trị sớm, kịp thời nên tri giác phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng, đã xuất viện.

Nữ bệnh nhân 57 tuổi, đi khám tại phòng khám 2-3 ngày nhưng tình trạng sốt không thuyên giảm, sau đó vào viện vì lơ mơ. Sau gần một tháng điều trị, người bệnh hồi phục tri giác nhưng vẫn có tình trạng co giật, được kê thêm thuốc chống co giật uống khi xuất viện.

Cụ bà 80 tuổi từ chỗ lơ mơ sau ba ngày sốt, tưởng không qua khỏi, sau khi điều trị theo phác đồ viêm não do herpes đã cải thiện tri giác và sức khỏe, dự kiến xuất viện tuần tới.

leftcenterrightdel
 Cụ bà 80 tuổi hồi phục tốt sau điều trị. Ảnh: Xuân Bình

"Mỗi bệnh nhân có mức độ thay đổi tri giác khác nhau, triệu chứng gợi ý bệnh không nhiều, song nhờ chẩn đoán, điều trị kịp thời nên cả ba đều đáp ứng tốt, hồi phục ngoạn mục. Đặc biệt, cụ bà lớn tuổi dấu hiệu không rõ ràng, việc tìm ra nguyên nhân rất vất vả", bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Vân Anh, viêm não do virus herpes xuất hiện lẻ tẻ, không gây thành dịch, nên tần suất nhập viện như lần này khá nhiều. Có nhiều tác nhân gây viêm não như vi trùng, virus..., trong đó viêm não do virus herpes là một nhiễm trùng thần kinh cấp tính ít gặp, triệu chứng khó nhận biết, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị di chứng nặng nề, tổn thương não lan rộng, hoại tử mô não và nặng nhất là tử vong.

Virus herpes có trong khoảng 90% người trưởng thành, chưa có vaccine phòng bệnh. Nguyên nhân viêm não là virus herpes thường do sự tái hoạt của virus này, với những điều kiện thuận lợi khiến virus bùng phát như bệnh nhân bị sốt, phơi nắng, tâm lý căng thẳng, phẫu thuật, có kinh nguyệt...

Bác sĩ khuyến cáo khi bệnh nhân đột nhiên có bất thường, thay đổi tri giác, tính tình vui buồn quá mức, ngôn ngữ lộn xộn kèm sốt..., người nhà cần đưa đến bệnh viện khám. Việc phát hiện, can thiệp bệnh sớm bằng thuốc đặc trị rất quan trọng, tránh biến chứng nặng.

Một số bệnh viêm não đã có vaccine như viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu..., phụ huynh nên cho trẻ tiêm chủng để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.


Nguồn VnExpress
Link bài gốc

https://vnexpress.net/ba-nguoi-nhap-vien-do-viem-nao-virus-hiem-gap-4651607.html