Bạn đang sao chép nội dung của page fb.com/chuyenxua.net. Nếu sử dụng cho blog cá nhân, vui lòng ghi rõ nguồn chuyenxua.net kèm theo link bài viết. Nếu là website, kênh truyền thông hoặc liên quan đến thương mại, vui lòng liên hệ trước để được đồng ý. Mọi hình thức vi phạm bản quyền nội dung để kiếm tiền thông qua MMO đều sẽ bị report đến Facebook và Adsense
Một góc ảnh đường Tự Do thập niên 1960, nhìn rất trang nhã và sạch sẽ. Từ thế kỷ 19 đến nay, đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi này vẫn luôn là tuyến đường sang trọng và đắt đỏ bậc nhứt Sài Gòn.
Đại lộ Thống Nhứt, con đường rộng rãi và thoáng mất bậc nhứt Sài Gòn với nhiều cây xanh, đi từ Thảo Cầm Viên, qua Vương Cung Thánh Đường, xuyên qua lòng Công viên Thống Nhứt để chạy thẳng vào dinh Độc Lập.
Nhà Hát, Opera House được người Pháp xây đầu thế kỷ 20. Đến năm 1955, được chánh quyền Đệ Nhứt Cộng Hòa trưng dụng để làm tòa nhà Quốc Hội. Sau khi chánh quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Quốc Hội bị giải tán trong thời kỳ quân quản 1963 đến 1967. Thời gian này Opera House được gắn cái biển là Nhà Văn Hóa như trong hình bên trên, được chụp vào năm 1964. Sau năm 1967, nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập, cuộc Tuyển cử năm đó đã bầu lên quốc hội chính quy. Khác với nền Đệ Nhất Cộng hòa, Quốc hội lần này chia thành hai viện: Thượng viện và Hạ viện. Từ đó tòa nhà Opera House được đặt làm trụ sở Hạ Nghị Viện, còn Thượng Nghị Viện được đặt ở Hội Trường Diên Hồng.
Nhà BOQ ở đường Hai Bà Trưng năm 1965. BOQ là Bachelor Officer Quarters, là bản doanh dành cho các sĩ quan Mỹ độc thân. Nhà này vốn là khách sạn Brink Hotel, sau năm 1965 được sử dụng làm trú quán cho các sĩ quan Mỹ. Ngoài các BOQ thì còn có BEQ (Bachelor Enlisted Quarters) là bản doanh dành cho các binh sĩ độc thân. Theo thống kê, chỉ riêng vùng Sài Gòn – Gia Định có hơn 100 BOQ và BEQ.
Nữ sinh trường Lê Văn Duyệt đi học về ngang qua Lăng Ông (lăng của Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt) ở Bà Chiểu – Gia Định.
Công trường Mê Linh năm 1965. Đây là nơi tàu Pháp thả neo khi đổ bộ chiếm thành Gia Định năm 1863. Thời VNCH, nơi giao lộ này được đặt tên là Công Trường Mê Linh, và con đường dẫn từ chỗ này về đến Phú Nhuận được đặt tên là Hai Bà Trưng, là 2 anh hùng dân tộc đã đặt kinh đô tại Mê Linh. Cùng hướng ra Công trường Mê Linh còn có đường Thi Sách, là tên của phu quân Trưng Trắc, cũng là một phần nguyên nhân cuộc khởi nghĩa.
Từ năm 1962, ở vị trí công trường này có xây dựng một tượng đài Hai Bà Trưng, nhưng chỉ 1 năm sau đó bị đập bỏ để xây dựng tượng đài Trần Hưng Đạo vẫn còn đến ngày nay.
Các biển quảng cáo ở phía trước chợ Bến Thành này đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các tấm ảnh Sài Gòn xưa.
Continental Palace, khách sạn sang trọng đầu tiên của Nam Kỳ được hoàn thành năm 1880. Kiến trúc, nội thất cũng như cách bài trí bên trong đều theo tiêu chuẩn của một khách sạn hạng sang tại Paris, tạo cảm giác quen thuộc cho du khách ở một đất nước xa lạ. Nơi này đã đón rất nhiều vị khách nổi tiếng không thể kể hết, từ ông hoàng nước Nga cho đến đại thi hào Ấn Độ Tagor, nhà văn Andre Malraux, Somerset Maugham, diễn viên điện ảnh Catherine Deneuve, người mẫu Kate Moss, cựu Tổng thống Pháp Chirac…
Khách sạn Nam Đô đường Nguyễn Thái Học năm 1969.
Cảnh sát công lộ trên đại lộ Lê Lợi. Phóa xa là tòa nhà 5 lầu, tầng trệt là tiệm cơm Thanh Bạch, lầu một đến lầu hai thuộc về nhà hàng và khiêu vũ trường Olympia (tên cũ là Thiên Hương). Kê bên đó là Y viện Sài Gòn được xây dựng từ năm 1903, thường được gọi là Nhà thương thí.