Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1850 và trùng tu năm 1938, là nơi sinh sống của 8 thế hệ trong gia đình họ Phan. Vài năm trở lại đây, ngôi nhà cổ 173 tuổi, pha trộn dấu ấn kiến trúc Việt - Hoa - Pháp cuối thế kỷ 19 là địa điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm.
"Bước vào khuôn viên ngôi nhà, mình như xuyên không về thế kỷ trước hay lạc vào bối cảnh của những bộ phim về miền Tây Nam bộ thời xưa", một du khách chia sẻ.
Đầu năm 2023, tour khám phá những nhà cổ trăm tuổi ở làng cổ Đồng Hòa Hiệp (Tiền Giang) được lựa chọn là 1 trong 20 tour du lịch độc đáo nhất Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố
Chủ nhân ngôi nhà hiện tại là ông Phan Văn Đức (77 tuổi), thường được gọi là ông Ba Đức. Ông Ba Đức là đời thứ 6 sinh sống và quản lý ngôi nhà.
Theo ông Đức, ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất rộng 2 mẫu Nam Bộ, tương đương 20.000m2. Trước nhà là khoảng sân rộng phủ xanh cỏ cây, hoa lá. Nhà được chia thành 2 phần: Nhà trên và nhà dưới, cách nhau khoảng sân - gọi là thiên tĩnh (giếng trời) - đóng vai trò cung cấp ánh sáng. Nhà trên là nơi thờ tự, tiếp đón khách, nhà dưới là nơi gia đình sinh hoạt.
Trước cửa chính là bậc thang tứ cấp rộng. Theo hướng dẫn viên, xưa kia, trước khi lát nền nhà, gia chủ rải một lớp muối bên dưới, trước là để chống ẩm mốc, sau là làm mát sàn những ngày nắng nóng. Nền nhà cao hơn mặt đất khoảng 10cm, để tránh nước tràn vào nhà khi mùa lũ về, cũng là chống côn trùng.
Ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc dân gian Nam Bộ Việt Nam thế kỷ 19 và có sự tiếp thu phong cách người Pháp, người Hoa.
Ông Ba Đức cho hay, năm 1938, cụ Phan Văn Cương cho trùng tu và sửa chữa ngôi nhà. Giữ một chức quan thời Pháp, cụ Cương có cơ hội tiếp xúc cùng giới chức Pháp và tiếp thu tinh hoa kiến trúc Phương Tây. Do đó, ngôi nhà chỉnh trang theo lối kiến trúc Đông - Tây kết hợp.
Ví dụ, mặt tiền nhà có cột trụ tròn, mái vòm cong, điêu khắc hoa văn tinh xảo - mang nét kiến trúc phương Tây. Nhà được nâng trần cao lên, giúp nhiều ánh sáng, thoáng khí, đông ấm, hạ mát.
Đặc điểm chung của các ngôi nhà cổ Đông Hòa Hiệp là mái lợp ngói âm dương hoặc vảy cá, cột gỗ to cao; kèo, đòn tay, đòn dông, vách ngăn, vách… đều bằng gỗ.
Phía trong gian chính, các cột gỗ được làm bằng gỗ căm xe Lào, chịu nước tốt, độ bền cao, tới nay hơn 170 năm vẫn bền, bóng, đẹp. Tại đây đặt ban thờ trời đất, tổ tiên, câu đối trang nghiêm. Hai câu đối hai bên gian thờ lần lượt là "Tích đức thắng di kim xứ thế đang đạo tư mã tuần - Vi thiện dĩ vi bảo trì thân nghi tỉnh sở thư ngôn", đại ý khuyên răn con cháu trong gia đình "tích đức đáng quý hơn tiết kiệm tiền bạc, làm việc thiện đáng giá như lưu giữ châu báu".
Ông Ba Đức cho biết, bộ bàn ghế gỗ ở chính giữa căn phòng có tuổi đời hơn 100 năm. Các bình gốm, đèn dầu, đèn trang trí trong nhà đều là đồ cổ, được gìn giữ qua nhiều đời nhưng vẫn sáng bóng, họa tiết, hoa văn sắc nét.
Trên 3 bức tường chính xung quanh gian phòng khách được vẽ 9 bức tranh. Mỗi bức tranh là cảnh một làng quê bình dị bên dòng sông hữu tình. Ðược biết, 9 bức tranh này tượng trưng cho dòng sông Cửu Long.
Ông Đức cho hay, phần hoa văn trang trí tường được giữ nguyên vẹn từ năm 1938. Nếu tường bám bẩn, chủ nhà sơn lại màu trắng, không tác động tới phần hoa văn.
Phòng nhỏ phía sau ban thờ là nơi đặt các tủ gỗ chứa chén, đĩa, ấm gốm sứ cổ tráng men xanh, sách và treo hình ảnh kỷ niệm của gia đình. Ông Ba Đức thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và chữ Hán - Nôm. Ông có thể giới thiệu, chia sẻ thông tin cơ bản về ngôi nhà với cả khách nước ngoài. Các con đều học hành thành đạt, con trai út là tiến sĩ ngành Phật học, đang công tác tại Singapore.
Gian nhà phía trước và sau nối với nhau bằng khoảng sân - gọi là thiên tĩnh (giếng trời). Năm 1946, góc sân này từng bị cháy trong một trận càn quét của lính Pháp.
Nhà cổ Ba Đức hiện mở cửa đón du khách với giá vé tham quan 22.000 đồng/người. Ngoài nhà cổ này, tại Đông Hòa Hiệp còn có nhà cổ ông Xoát, ông Tòng...
Hình thành và phát triển thịnh vượng từ khoảng thế kỷ 19, Đông Hòa Hiệp là một trong ba làng cổ Việt Nam được Cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lựa chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Du khách có thể di chuyển bằng thuyền, xuồng máy của người dân miền Tây hay các đơn vị như Cai Be Princess, thuyền Sông Xanh để trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp, cuộc sống vùng sông nước ở huyện Cái Bè. Trong lịch trình tour, du khách sẽ thăm chợ nổi, xưởng làm kẹo dừa, bánh tráng, thăm lò gạch, nhà cổ, thưởng thức đặc sản...