Cứ đến khoảng 9h tối khi TV vang lên câu "Richard Chamberlain trong vai cha Ralph de Bricassart ..." trên nền nhạc phim dìu dặt là tôi vứt bài vở chum đầu vô coi. Cái hình ảnh cha Ralph lái chiếc xe cổ màu cam xuyên qua đàn cừu trên thảo nguyên vàng úa để đến với cô bé Meggie mới thi vị làm sao!

Hồi đó, ở VN có hai bản dịch cùng một lúc của "The Thorn Birds". Bản "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" do Phạm Mạnh Hùng dịch từ bản tiếng Nga "Поющие в терновнике" (Nora Gal dịch từ nguyên tác). Và bản "Những con chim ẩn mình chờ chết" do Trung Dũng dịch từ bản tiếng Pháp "Les oiseaux se cachent pour mourir" (Jacqueline Lagrande dịch từ nguyên tác). Cả hai tựa đề bản tiếng Việt đều dịch khá sát từ tựa đề bản tiếng Nga và tiếng Pháp. Bản dịch của Phạm Mạnh Hùng hay hơn bản của Trung Dũng. Không hiểu sao lúc đó không có bản dịch trực tiếp từ nguyên tác! Có lẽ là sách truyện tiếng Anh không được nhập về từ sau năm 1975.

leftcenterrightdel
 Sydney Penny (vai Meggie, phải) và Richard Chamberlain (vai Luke O'Neill) trong phim "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", chiếu năm 1983. (Ảnh: Alamy)

Trong đề tựa, Colleen McCullough viết: "Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị.

Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại... Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy".

Từ lời "Đề tựa", dịch giả người Pháp Jacqueline Lagrande để tâm nhiều đến "cái chết" của những con chim nên dịch tựa "The Thorn Birds" thành "Les oiseaux se cachent pour mourir" (Những con chim ẩn mình chờ chết). 

Trái lại, dịch giả người Nga Nora Gal lại cảm nhận khía cạnh vui tươi khi dịch là "Поющие в терновнике" (Tiếng chim hót trong bụi mận gai). 

Tôi đã đọc cả hai bản, bản "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" được dịch hay hơn với văn phong khúc chiết và câu từ được xử lý tinh tế, mang đến cho người đọc một phong thái văn kiểu "Tự lực văn đoàn", hợp với khẩu vị của người Việt hơn.

Nguồn
Link bài gốc