Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở giới trẻ Việt Nam đã trở thành một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế quốc gia. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng vượt qua giới hạn, thế hệ trẻ Việt Nam không ngừng sáng tạo, ứng dụng công nghệ và đổi mới tư duy để xây dựng những doanh nghiệp mang dấu ấn riêng. Các mô hình khởi nghiệp không chỉ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, mà còn lan tỏa đến nông nghiệp, giáo dục, y tế và các ngành dịch vụ sáng tạo.

Phong trào khởi nghiệp sáng tạo ở giới trẻ Việt Nam nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ môi trường chính sách cởi mở, các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, nhờ đó đã thu hút sự chú ý của cả trong nước và quốc tế. Nhiều startup của người trẻ nhận được hàng triệu USD đầu tư, những sản phẩm “Made in Vietnam” từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra chinh phục thị trường quốc tế… đều là minh chứng rõ nét cho tài năng và bản lĩnh của thế hệ trẻ Việt Nam. Không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành công từ phong trào khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ còn xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia khởi nghiệp đầy tiềm năng, trở thành trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thống kê, năm 2024, Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56 (đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của nước ta liên tục được cải thiện qua các năm; năm 2024 tăng 4 bậc so với năm 2022, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: Để khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thực sự đạt hiệu quả và đi vào chiều sâu, cần triển khai một cách khoa học, bài bản và có định hướng rõ ràng. Thủ tướng đề xuất tập trung trước mắt vào bốn lĩnh vực ưu tiên: công nghệ thông tin, an ninh mạng, dịch vụ kỹ thuật số; công nghệ y tế và giáo dục; công nghệ môi trường và năng lượng; cùng với nông nghiệp công nghệ cao.

Những cánh chim đầu đàn

Từ những ý tưởng táo bạo, các startup Việt Nam đã cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, giải quyết những vấn đề thực tế của xã hội. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các ứng dụng di động, nền tảng thương mại điện tử, giải pháp phần mềm ngày càng đa dạng và thông minh. Ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ đã được ứng dụng để tăng năng suất, chất lượng nông sản và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Ngành y tế cũng không nằm ngoài xu hướng này, với sự xuất hiện của nhiều startup phát triển các ứng dụng y tế, thiết bị y tế thông minh.

Công nghệ thông tin: Nguyễn Thành Trung và hành trình chinh phục thế giới blockchain

leftcenterrightdel
 CEO Sky Mavis, anh Nguyễn Thành Trung (Ảnh: Thanh Niên)

Nguyễn Thành Trung sinh năm 1992, là nhà sáng lập và CEO của Sky Mavis. Với tầm nhìn chiến lược và sự am hiểu sâu sắc về công nghệ blockchain, Trung đã biến Axie Infinity từ một ý tưởng táo bạo trở thành một hiện tượng toàn cầu. Không chỉ đơn thuần là một trò chơi, Axie Infinity còn là một nền kinh tế số sôi động, thu hút hàng triệu người chơi và đạt giá trị vốn hóa hàng tỷ USD. Thành công của Axie Infinity đã đưa tên tuổi của Việt Nam lên bản đồ blockchain thế giới, khẳng định vị thế của nước ta trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Không chỉ dừng lại ở thành công kinh doanh, Trung còn tích cực thúc đẩy phong trào blockchain tại Việt Nam. Thông qua các hội thảo và chương trình giáo dục, anh đã truyền cảm hứng cho nhiều startup trẻ, đưa công nghệ blockchain trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế số. Những dự án như Ronin Network hay tính năng Play-to-Earn (chơi để kiếm tiền) mà Trung phát triển không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mở ra kỷ nguyên mới trong cách con người tương tác với công nghệ.

Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái metaverse và ứng dụng blockchain vào nhiều ngành công nghiệp khác, Nguyễn Thành Trung là biểu tượng sáng tạo, minh chứng cho tiềm năng vô hạn của người trẻ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. 

“Để đạt được thành tựu chưa ai từng có, chúng tôi đã phải đối mặt với những thử thách chưa ai từng trải qua. Chúng tôi đã từng đứng trên bờ vực phá sản, từng bị hack và mất một khoản tiền khổng lồ. Tôi thậm chí đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có thể vượt qua được và cuối cùng sẽ phải đóng cửa Sky Mavis” – Nguyễn Thành Trung chia sẻ.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM.

Trong đó, 11 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 2 startup kỳ lân định giá trên 1 tỷ USD là Momo và Sky Mavis. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 đến nay, Việt Nam chưa có thêm kỳ lân mới. Một số doanh nghiệp sáng tạo được đánh giá là “soonicorn” (cận kỳ lân) đang gặp khó khăn trong hoạt động và mở rộng quy mô.

Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ở giai đoạn đầu của vòng đời phát triển, giá trị doanh nghiệp tương đối thấp. Đa phần đang trong giai đoạn ươm mầm, với định giá doanh nghiệp dưới 1 triệu USD.

Công nghệ y tế: TS. Võ Cẩm Quy và sự chuyển mình trong quản lý dữ liệu sức khỏe

Trong lĩnh vực công nghệ y tế, TS. Võ Cẩm Quy (Quy Võ – Reinhard) là một gương mặt sáng giá với những đóng góp nổi bật trong việc ứng dụng blockchain vào quản lý dữ liệu y tế. Là đồng sáng lập của HIT Foundation và dHealth Foundation, chị đã xây dựng các nền tảng giúp bệnh nhân không chỉ quản lý sức khỏe cá nhân mà còn kiếm thu nhập từ dữ liệu y tế, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và minh bạch.

leftcenterrightdel
 TS. Võ Cẩm Quy thành công ứng dụng công nghệ blockchain vào y tế (Ảnh: Vietnamnet)

Tầm nhìn của TS. Quy không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn lan tỏa ra thế giới. Những giải pháp mà chị mang lại không chỉ giúp giảm bất bình đẳng trong tiếp cận y tế mà còn mở ra những hướng đi mới cho các quốc gia phát triển công nghệ này. Chị còn tích cực hỗ trợ các dự án giáo dục nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong ngành công nghệ, trao quyền cho phụ nữ Việt Nam và quốc tế tiếp cận lĩnh vực đầy thách thức.

Với sứ mệnh cải thiện y tế toàn cầu và xây dựng hệ thống công nghệ bền vững, TS. Võ Cẩm Quy là hình mẫu lý tưởng cho những người trẻ đam mê khoa học và công nghệ.

Năm 2020, chị được bình chọn là “Female Digital Innovator of 2020 in Switzerland” (tạm dịch: Nữ cải tiến kỹ thuật số năm 2020 tại Thụy Sĩ). Trước đó, năm 2019, chị là một trong những khách mời đặc biệt của Diễn đàn người Việt Nam có ảnh hưởng (VGLF) tại Paris (Pháp); từng được bình chọn là người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất đến giới Blockchain ở châu Âu vào năm 2018.

“Trước hết, các bạn trẻ nên xác định mình muốn gì, ước mơ gì? Tài năng của mình ở lĩnh vực nào? Thế giới và mọi người có cần giải pháp mà bạn đang nghĩ đến hay không? Bạn có được trả tiền hoặc điều gì đó từ giải pháp của bạn không? Nếu trả lời được các câu trên rồi hãy suy nghĩ về con đường khởi nghiệp, và nên nhớ, đó là một hành trình không trải hoa hồng; chỉ đạt kết quả xứng đáng cho những ai quyết tâm theo đuổi tới cùng” – TS. Quy chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp thành công.

Nông nghiệp công nghệ cao: Đặng Dương Minh Hoàng và sứ mệnh hiện đại hóa nền nông nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Đặng Dương Minh Hoàng (36 tuổi) là một trong những gương mặt tiên phong. Tại nông trại Thiên Nông, anh đã áp dụng công nghệ IoT và các giải pháp thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giúp các sản phẩm như bơ, tiêu và sầu riêng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 cho doanh nhân Đặng Dương Minh Hoàng (Ảnh: Báo Đầu tư)

Không chỉ tập trung vào sản xuất, Hoàng còn sáng lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, nơi hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ số, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Với phần mềm Auto Agri do Hoàng phát triển, nông dân giờ đây có thể quản lý sản xuất một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tiên phong xây dựng nông nghiệp hiện đại, Đặng Dương Minh Hoàng cũng tích cực hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này. 

Hoàng đã đạt được nhiều giải thưởng như: Bằng khen Điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023 của Thủ tướng; Giải thưởng Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Giải thưởng Lương Định Của năm 2021; Danh hiệu “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Giải Nhất Cuộc thi “Chắp cánh khởi nghiệp xanh” năm 2022; Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023…

Động lực vượt qua mọi thách thức

Đằng sau những thành công là sự nỗ lực không ngừng của các nhà sáng lập, những khó khăn và thử thách mà họ phải đối mặt. Từ việc tìm kiếm vốn, xây dựng đội ngũ, phát triển sản phẩm đến việc cạnh tranh trên thị trường, các startup của người trẻ Việt Nam đều phải vượt qua những rào cản lớn. Tuy nhiên, những khó khăn không làm nản lòng các bạn trẻ. Họ luôn tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng học hỏi và không ngừng đổi mới. Tinh thần đó, cùng với động lực là sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ và cộng đồng đã giúp họ vượt qua mọi thử thách để đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp nhà đầu tư và người dân.

Theo đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra một môi trường thuận lợi cho các startup phát triển. Các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), cùng các chương trình quốc gia như “Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” (Đề án 844)… đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy nguồn lực tài chính, đào tạo, kết nối và mở rộng quy mô hoạt động cho các startup.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ của cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng là động lực lớn để các startup phát triển.

Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm doanh nghiệp và các chương trình tăng tốc khởi nghiệp đã được thành lập để hỗ trợ những ý tưởng đổi mới sáng tạo. Các tập đoàn lớn như VinGroup, FPT và Viettel… cũng đã triển khai những chương trình hợp tác và đầu tư dành riêng cho startup.

Đặc biệt, các sự kiện như Techfest, Startup Vietnam, và Shark Tank Vietnam đã tạo cơ hội quý báu cho các bạn trẻ trình bày ý tưởng, học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nhân thành đạt, và tìm kiếm cơ hội gọi vốn. Bên cạnh đó, sự đồng hành của truyền thông cũng giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và thu hút sự chú ý của xã hội đối với những dự án tiềm năng.

Những câu chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Thành Trung, TS. Võ Cẩm Quy hay Đặng Dương Minh Hoàng không chỉ đơn thuần là những thành tựu cá nhân mà còn góp phần tạo nên hình ảnh một Việt Nam sáng tạo, mạnh mẽ trên trường quốc tế. Họ là minh chứng rõ ràng cho tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của thế hệ trẻ - những người đang viết tiếp câu chuyện về khát vọng đất nước hùng cường.

Sự thành công của họ là kết quả của sự kết hợp giữa tài năng, đam mê, sự nỗ lực không ngừng và một môi trường khởi nghiệp ngày càng phát triển. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của chính phủ, các tổ chức xã hội và cộng đồng, chúng ta có thể kỳ vọng sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa những startup thành công, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới.

Nguồn nguonluc
Link bài gốc

https://nguonluc.com.vn/tuoi-tre-viet-nam-doi-moi-sang-tao-va-khat-vong-vuon-xa-a19040.html