Rác thải nhựa kịch độc nhưng không phải ai cũng biết

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), trung bình mỗi phút trên thế giới có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ túi nylon được tiêu thụ. Trong khi đó, ước tính phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Trong suốt thời gian đó, rác thải nhựa sẽ gây “ô nhiễm trắng”, ảnh hưởng xấu tới con người, môi trường và cả sinh vật.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe - phân tích: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người làm việc trong môi trường hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất thải nhựa sẽ bị tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, các ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác khác, hệ tiêu hoá, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch, thận...thậm chí gây đột biến gen.

"Các hạt vi nhựa rã ra từ chất thải nhựa đi theo một vòng tuần hoàn từ đất đai lên cây trồng, động vật, thủy hải sản...xâm nhập vào cơ thể con người, gây nên nhiều bệnh từ tim mạch, nội tiết, bệnh thận, đặc biệt là nhiều loại ung thư…”, PGS Nga nói.

leftcenterrightdel
 Việt Nam là một trong năm nước gây ô nhiễm hàng đầu cho các đại dương trên thế giới. Ảnh minh họa.

Tương tự, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - cũng cảnh báo, hiện nay, trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó 1/2 là các chai nhựa. Chưa nói đến nguy cơ chai nhựa bị thất thoát ra môi trường thì việc sử dụng các chai nhựa quá nhiều trong cuộc sống hàng ngày cũng gây tác hại rất lớn đến sức khỏe con người.

"Các hạt vi nhựa nếu ngấm vào cơ thể con người thì không có hóa chất nào tiêu diệt được, để lâu dài sẽ góp phần gây nên những bệnh nguy hiểm, ví dụ dễ nhận thấy nhất là cản trở lưu thông máu”, ông Hải nói.

Hiện túi nylon và đồ nhựa đựng thực phẩm có hai loại: loại được sản xuất từ 100% hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất, loại nhựa này không gây độc hại.

Loại thứ hai được dùng phổ biến nhất chính là túi nylon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong quá trình tái chế, nhựa thủ công sẽ hấp thu các kim loại nặng như cadimi, chì...

Đối với các loại túi nylon tái chế từ rác thải, công đoạn xử lý rất thủ công, trong đó có trộn các loại hóa chất làm tăng độ bền dẻo của sản phẩm, tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại.

Đặc biệt, khi túi nylon, chai nhựa, hộp nhựa đựng các loại thực phẩm ở khoảng 80 độ C, chúng có thể khiến các chất phụ gia dễ dàng thôi nhiễm vào thức ăn và gây độc cho cơ thể.

Với chai nhựa đã tái sử dụng, vi khuẩn gây hại có thể xâm nhập nếu quy trình tiệt trùng, đóng chai không đảm bảo. Sự an toàn nhìn thấy có thể chỉ là vẻ bề ngoài tưởng như sạch sẽ và vô hại.

Ngay cả những chai nhựa tái chế (PET, PETE) cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy. Đây là loại nguyên liệu nhẹ, xốp, nếu sử dụng lần đầu thì khá an toàn nhưng bề mặt xốp của nó lại có thể cho phép vi khuẩn, mùi vị tích tụ lại. Vì thế, chuyên gia cho rằng, việc tái sử dụng đồ nhựa lâu dài là điều không nên.

Quản lý chưa tốt rác thải nhựa khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí

Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia chưa quản lý tốt rác thải nhựa. Năm 2016, có 0,57 triệu tấn chất thải nhựa chưa được quản lý tốt đã bị rò rỉ ra vùng ven biển Việt Nam, trong đó phần lớn là đủ loại chai nhựa và túi nylon.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có hơn 500.000 tấn nylon, gần 78.000 tấn vỏ bao bì phân bón và gần 34.000 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường đã báo động về lượng rác thải nhựa trong nông nghiệp thải ra môi trường mỗi năm.

Dẫn Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia, TS. Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, chất thải nhựa từ chăn nuôi mỗi năm phát sinh 67,93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm, gồm: 550 nghìn tấn nylon, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Trong khi đó, ngành thủy sản cũng “đau đầu” vì rác thải nhựa. Những đặc tính bền vững khó phân hủy của nhựa và nilon đang để lại những hậu quả khôn lường cho ngành thủy sản.

Nguyên nhân là do người Việt lạm dụng quá mức đồ nhựa như: thìa nhựa, ly nhựa, cốc nhựa, bát nhựa phục vụ quá trình sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là ở các cửa hàng bán đồ ăn uống hay tại các sự kiện, buổi dã ngoại… Khi khách mua đồ ăn uống mang về, thường không mang theo đồ để đựng, mà nhà hàng chuẩn bị hộp xốp, hộp nhựa gói hàng và phụ thu mỗi khách thêm 5.000 – 10.000 đồng. 

Nguyên nhân gây tổn hại nhất đến môi trường đó là đốt nhựa. Trái đất hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng CO2 tăng, gây ra hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trung bình thế giới tăng nhanh. Năm 2022, nhiệt độ trung bình thế giới là 0,89 độ C. Nếu nhiệt độ này tăng đến 2 độ C thì loài người sẽ bước vào giai đoạn diệt chủng. Và với với tốc độ tăng như hiện nay thì chỉ 20 năm nữa con người sẽ đạt ngưỡng 2 độ C”, theo TS. Nguyễn Lê Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cảnh báo.

Trong khi đó, chất thải nhựa khi được đem đốt sẽ tạo ra một lượng lớn khí CO2. Ngoài ra, thực tế cho thấy, tại Việt Nam, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế, còn lại được xử lý theo hướng chôn hoặc đốt.

Ông Long cũng nhấn mạnh: “Rác thải nhựa khi bị chôn lấp sẽ làm đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng".

Còn Ths Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên Môi trường) cảnh báo, chất nhựa nếu được thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước nghiêm trọng, trong khi đây là những tài nguyên liên quan trực tiếp đến sự sống của con người. Các nano nhựa đi vào đất, ngấm vào nước còn đe dọa trực tiếp hệ sinh thái cây trồng.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, nguyên nhân của thực trạng trên chính là do có những lỗ hổng về pháp luật và việc thực thi chưa nghiêm. Trong khi đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, quy mô sản xuất thủy sản nhỏ lẻ manh mún, công tác thanh kiểm tra và giám sát chưa chặt, thiếu công nghệ kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải nhựa. Nếu để lâu dài thì các nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp hàng ngày để nuôi sống con người sẽ bị nhiễm độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Rác thải nhựa để lại dưới lòng biển. Những vụn nhựa khi cá ăn vào sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho cá mà sẽ gây mất an toàn thực phẩm cho con người khi ăn những hải sản này.

Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm tới và Việt Nam cũng là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải. Một lượng chất thải đáng kể đang được chôn trực tiếp tại các bãi chôn lấp hoặc xả ra biển. Rác thải nhựa sẽ gây ra ô nhiễm trắng, ảnh hưởng đến 300 loài thủy hải sản, nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng”, ông Thi nhấn mạnh.

Những con số không chỉ mang ý nghĩa thống kê từ năm này qua năm khác, mà nó còn là tiếng chuông cảnh báo khi môi trường sống, mẹ thiên nhiên đang “kêu gào” bởi bị rác thải nhựa bao vây. Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa đang là “kẻ thù” không đội trời chung với môi trường. Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người.


Nguồn VietQ
Link bài gốc

https://vietq.vn/chai-nhua-tui-nylon-dang-huy-diet-moi-truong-viet-nam-d214991.html